image banner
VKIST cần nuôi dưỡng những “giấc mơ lớn”
Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) phải trở thành viện nghiên cứu dẫn dắt công nghệ chiến lược quốc gia, là biểu tượng cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) và là “vườn ươm” chính sách công nghệ của quốc gia. Mọi nghiên cứu đều được bắt đầu từ bài toán thực tiễn của doanh nghiệp để đổi mới sáng tạo thực sự đi vào cuộc sống.

Đây là định hướng được Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng đặt ra cho VKIST đến năm 2030 tại buổi làm việc ngày 20/5/2025 tại Hà Nội.

Từ nghiên cứu tới thị trường

Báo cáo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, PGS.TS Vũ Đức Lợi, Viện trưởng Viện VKIST cho biết, sau 3 năm chính thức đi vào hoạt động, các kết quả đạt được bước đầu là tích cực. Tính đến 30/4/2025, VKIST đã và đang thực hiện 27 nhiệm vụ nghiên cứu sản phẩm KHCN cấp bộ với tổng kinh phí được NSNN cấp gần 75 tỷ đồng, trong đó, 15 nhiệm vụ đã hoàn thành. Viện đã có 23 bài báo quốc tế, 10 bài báo trong nước, 17 bài báo đăng kỷ yếu hội nghị khoa học, 10 sáng chế/đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích/bản quyền phần mềm/quy trình công nghệ.

Hiện tại, VKIST đã chuyển giao thương mại hóa thành công 8 công nghệ và còn 16 công nghệ đã hoàn thành, sẵn sàng chuyển giao cho doanh nghiệp thương mại hóa. Trong đó, VKIST chuyển giao thành công Công nghệ chiết xuất nano thảo dược thiên nhiên với doanh thu đạt 80 tỷ đồng chỉ sau một năm ra thị trường; các sản phẩm dược mỹ phẩm của CPI và Dexin lần lượt mang về 40 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng và tỷ lệ lợi nhuận chia sẻ 2% cho VKIST; cùng với đó là hệ thống xử lý nước mặn đã được chuyển giao thành công cho công ty Sơn Hà.

anh tin bai

Toàn cảnh buổi làm việc.

Viện trưởng Vũ Đức Lợi cho biết: "Ước tính năm 2025, doanh thu của VKIST dự kiến đạt 40 tỷ đồng, tăng hơn 200% so với năm 2024 (12,6 tỷ đồng). Đây là tiền bản quyền từ các công nghệ của Viện khi chuyển giao cho doanh nghiệp và tiền từ các hợp đồng dịch vụ KHCN".

Tuy vậy, khó khăn lớn nhất vẫn nằm ở khâu thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đơn cử như dự án bộ kit xét nghiệm ung thư và viêm gan B - dù có tiềm năng ứng dụng rộng rãi - vẫn chưa thể ra thị trường do thiếu kinh phí để hoàn thiện sản phẩm và xin cấp phép lưu hành. Trong khi doanh nghiệp trong nước còn e dè rủi ro và chờ sản phẩm hoàn chỉnh, thì doanh nghiệp nước ngoài lại sẵn sàng mua công nghệ ngay lập tức.

PGS.TS. Trương Thị Ngọc Liên, Trưởng phòng Công nghệ tích hợp IT - BT, dẫn chứng: "Chúng tôi đã hoàn thành nghiên cứu công nghệ sản xuất bộ kit xét nghiệm nhanh bệnh ung thư và viêm gan B trong mẫu máu". Bộ kit có thể bán đại trà tại các hiệu thuốc, người dân có thể tự sử dụng tại nhà, tiềm năng rất lớn".

Theo PGS.TS. Trương Thị Ngọc Liên, các doanh nghiệp trong nước còn e ngại rủi ro, chỉ sẵn sàng tiếp nhận chuyển giao khi sản phẩm đã hoàn thiện và được cấp phép lưu hành bởi cơ quan nhà nước. Để đáp ứng yêu cầu này, nhóm nghiên cứu cần một khoản đầu tư đáng kể, ước tính lên tới 20 tỷ đồng phục vụ quá trình thử nghiệm lâm sàng, đây là một con số rất khó để xin được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách hiện nay.

PGS.TS. Liên bày tỏ mong muốn Bộ KH&CN có thể thiết kế cơ chế đặc thù nhằm hỗ trợ nhóm nghiên cứu đưa sản phẩm từ phòng thí nghiệm ra thị trường, thậm chí có thể xây dựng nhà máy sản xuất kit test ngay tại Việt Nam. Đáng chú ý, hiện có doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ mong muốn mua lại công nghệ này, song phía VKIST vẫn ưu tiên tìm đối tác trong nước để chuyển giao nhằm đảm bảo giá bán hợp lý cho người dân Việt Nam.

Phát triển công nghệ lõi, tập trung vào các sản phẩm chiến lược

Trước những băn khoăn, đề xuất và kiến nghị của các cán bộ cùng với định hướng phát triển của Viện, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã trực tiếp trao đổi, giải đáp và đề xuất các hình thức hỗ trợ cụ thể. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã lắng nghe các ý kiến, chia sẻ từ các cán bộ và đơn vị của Viện về kế hoạch phát triển trong giai đoạn mới.

Để VKIST tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bắt kịp yêu cầu của thời đại, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Viện cần đổi mới tầm nhìn, rà soát và định vị lại sứ mệnh, giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển. Bộ trưởng cho biết, trong bối cảnh hiện nay với nhiều biến chuyển lớn về công nghệ và mô hình tăng trưởng, VKIST cần khơi dậy khát vọng trở thành viện nghiên cứu hàng đầu, đóng vai trò dẫn dắt trong việc phát triển các công nghệ chiến lược quốc gia.

anh tin bai

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Viện VKIST.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, mục tiêu của hoạt động nghiên cứu không chỉ dừng lại ở việc công bố mà phải đo lường được hiệu quả thương mại hóa suốt vòng đời công nghệ: "Một công nghệ nghiên cứu ra thì phải đo lường được giá trị thương mại hóa toàn bộ vòng đời. Cần phải suy nghĩ, chúng ta đầu tư 1 đồng nghiên cứu thì tạo ra đầu ra là bao nhiêu".

Bộ trưởng cho biết, tại Nga và Belarus, mỗi đồng đầu tư nghiên cứu tạo ra 15-20 đồng doanh thu. Tại Việt Nam, theo Bộ trưởng, con số cần phấn đấu ít nhất là 10 đồng. Với doanh thu dự kiến của VKIST năm 2025 đạt 40 tỷ đồng, doanh thu từ các doanh nghiệp chuyển giao phải tương ứng 400-500 tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đổi mới sáng tạo không đơn thuần là hoạt động nghiên cứu, mà chính là quá trình ứng dụng một cách sáng tạo vào thực tiễn. VKIST phải đồng hành cùng doanh nghiệp từ trước khi nghiên cứu, từ đó giải những bài toán từ thực tiễn cuộc sống. Bộ trưởng nhấn mạnh "Mục tiêu không phải chỉ là sản phẩm. Mục tiêu là làm chủ công nghệ. Làm chủ sản phẩm là bước trung gian. Việt Nam cần công nghệ chiến lược hơn là sản phẩm đơn lẻ".

Nghị quyết 57 và Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST đang trình Quốc hội cởi trói rất thông thoáng cho hoạt động nghiên cứu KHCN. Trước bối cảnh thể chế đột phá, VKIST được yêu cầu phải nuôi dưỡng những "giấc mơ lớn" hơn, với tầm nhìn đến năm 2040-2045 trở thành một viện nghiên cứu ứng dụng hàng đầu, đủ năng lực thay thế công nghệ nhập khẩu bằng công nghệ nội địa.

Liên tục nhấn mạnh vai trò tiên phong của VKIST, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo Viện cần tập trung phát triển công nghệ lõi và công nghệ chiến lược, tránh đi vào những hướng nghiên cứu đã được thị trường khai thác hiệu quả. Thay vào đó, VKIST phải ưu tiên những công nghệ mang tính dẫn dắt, có sức ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội và mở ra những hướng đi đột phá cho nền kinh tế Việt Nam. Các lĩnh vực then chốt được đặc biệt nhấn mạnh bao gồm vi mạch bán dẫn, robot, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghiệp quốc phòng và pin thứ cấp. Mục tiêu dài hạn là xây dựng VKIST trở thành một trong những viện nghiên cứu ứng dụng hàng đầu, đủ năng lực dẫn dắt hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia thông qua các sản phẩm chiến lược và có tác động toàn diện.

Điểm đặc biệt của VKIST là được thành lập trên cơ sở Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc, với nguồn vốn ODA hỗ trợ từ phía Hàn Quốc. Chính vì vậy, ngoài tiềm năng phát triển, VKIST còn mang trên mình trách nhiệm sử dụng hiệu quả vốn đầu tư và giữ vai trò tiên phong trong hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

anh tin bai

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác chụp ảnh với cán bộ VKIST.

Trung tâm Truyền thông KH&CN, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc

Theo https://mst.gov.vn/