image banner
Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia
Ngày 5/5, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2025/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (Trung tâm), nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và và khởi nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển kinh tế tri thức.
anh tin bai

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cơ sở Hòa Lạc (Nguồn: NIC)

Theo Nghị định, người nước ngoài làm việc tại Trung tâm hoặc trong các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tại Trung tâm không thuộc diện phải cấp giấy phép lao động trong trường hợp đảm nhận các vị trí quản lý, điều hành, chuyên gia hoặc lao động kỹ thuật mà nguồn nhân lực trong nước chưa đáp ứng được theo yêu cầu của Trung tâm. Đồng thời, chính sách này cũng áp dụng đối với người nước ngoài thực hiện hợp đồng lao động với các tổ chức, doanh nghiệp trong Trung tâm ở những vị trí tương tự nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh mà lao động Việt Nam chưa thể đảm nhiệm.

Đối với ưu đãi về tín dụng đầu tư, Nghị định cho phép các dự án đầu tư của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoạt động tại Trung tâm và các dự án đầu tư của Trung tâm, sẽ được vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước (nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định). Bên cạnh đó, Trung tâm, các cá nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang hoạt động tại đây còn có thể tiếp cận nguồn vốn tài trợ, hỗ trợ, bảo lãnh vốn vay từ các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cũng như các định chế tài chính phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.

Nghị định cũng quy định các ưu đãi nổi bật về đất đai và hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, Trung tâm được miễn toàn bộ tiền sử dụng hạ tầng đối với phần diện tích đất thuê nằm trong khu vực mà Nhà nước đã đầu tư hạ tầng và đang thu phí sử dụng. Đồng thời, Trung tâm còn được miễn toàn bộ kinh phí liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ toàn bộ kinh phí san lấp mặt bằng khi triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Về cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, Trung tâm có thể triển khai các hoạt động ươm tạo và hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm việc cung cấp không gian làm việc, hạ tầng kỹ thuật, nguồn lực và dịch vụ phục vụ nghiên cứu, phát triển, sản xuất và kinh doanh. Đồng thời, Trung tâm cũng được tổ chức các chương trình đào tạo, điều tra, khảo sát, nghiên cứu, phát hành ấn phẩm về đổi mới sáng tạo và các lĩnh vực công nghệ trọng tâm. Các hoạt động tư vấn, kết nối doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư và thương mại trong nước và quốc tế; tổ chức triển lãm, hội thảo, cuộc thi khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo cũng là một phần trong chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm. Ngoài ra, Trung tâm có thể tham gia tư vấn thành lập, quản lý, vận hành các trung tâm đổi mới sáng tạo khác, cũng như quản lý các quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Trung tâm còn được phép cung cấp các thiết bị, phòng thí nghiệm, phần mềm dùng chung để hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong quá trình đào tạo, phân tích, phát triển sản phẩm và hàng hóa. Trung tâm cũng có thể bố trí khu làm việc chung với các không gian trưng bày sản phẩm, tiện ích kết nối cộng đồng, cũng như triển khai các dịch vụ phụ trợ khác như lưu trú, sinh hoạt và các hỗ trợ cần thiết cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Những dịch vụ này đều phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm theo quy định.

Đặc biệt, Trung tâm được phép sử dụng tài sản công để phục vụ hoạt động sự nghiệp công, bao gồm các trụ sở, cơ sở hạ tầng, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu, cũng như các tài sản sở hữu trí tuệ mà Trung tâm đang quản lý hoặc được Nhà nước giao, bố trí. Việc sử dụng các tài sản này nhằm mục tiêu hỗ trợ hiệu quả cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo.

Với việc ban hành Nghị định số 97/2025/NĐ-CP, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc tạo lập môi trường thuận lợi về thể chế, tài chính và hạ tầng cho Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Đây là nền tảng quan trọng để Trung tâm phát huy vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời đại kinh tế số.