Tạo điều kiện hỗ trợ nữ trí thức phát huy vai trò trong nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ
Thứ Sáu, 23/05/2025 05:11 CH
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, việc phát huy nguồn lực con người không chỉ là yêu cầu tất yếu, mà còn góp phần tạo ra xã hội số năng động, sáng tạo và bền vững. Trong đó, nguồn lao động nữ trí thức đóng vai trò quan trọng trong công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Văn bản 4324/VPCP-QHĐP về việc thành lập Quỹ hỗ trợ các nữ khoa học trẻ và đề ra các giải pháp cụ thể nhằm phát huy tối đa tiềm năng của nữ trí thức Việt Nam.
Tạo điều kiện để nữ trí thức tham gia nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn Hội Nữ trí thức Việt Nam chủ động đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN theo quy định pháp luật và các biện pháp hỗ trợ khác theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Nữ trí thức Việt Nam nghiên cứu, vận động nguồn lực để sớm thành lập Quỹ hỗ trợ các nữ khoa học trẻ. Quỹ này phải bảo đảm có đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định tại Điều 10, Điều 15, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25/11/2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
Thực tiễn cho thấy, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò trong nghiên cứu KH&CN. Hiện nay, số lượng nữ trí thức tham gia nghiên cứu khoa học tăng, chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước. Nhiều nhà khoa học nữ đã ghi dấu ấn với các công trình mang giá trị lý luận và thực tiễn cao, được quốc tế ghi nhận và vinh danh. Trong đó không ít người nằm trong Top 100 nhà khoa học tiêu biểu châu Á, góp phần nâng tầm vị thế khoa học của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo báo cáo của Ban thường vụ của Hội Nữ trí thức Việt Nam, sau 13 năm hoạt động, Hội đã thu hút gần 6.000 hội viên, trong đó có 24 Giáo sư, 224 Phó Giáo sư, 727 Tiến sĩ và 2.000 Thạc sĩ. Hội đã tổ chức trên 100 hội thảo khoa học; hàng trăm công trình nghiên cứu được công bố và trình bày tại các hội nghị cấp quốc gia, khẳng định năng lực của nữ trí thức Việt Nam trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Việc tạo điều kiện cho nữ trí thức phát huy vai trò không chỉ là giải pháp bảo đảm bình đẳng giới mà còn là yếu tố cốt lõi để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các hoạt động KH&CN. Khi phụ nữ được trao quyền và điều kiện phát triển ngang bằng, họ có thể đóng góp những góc nhìn đa chiều, nhân văn và sáng tạo hơn, từ đó xây dựng nền khoa học và công nghệ hiện đại, toàn diện, hội nhập sâu rộng và bền vững.
Linh Giang