Hướng dẫn triển khai mô hình Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh cấp tỉnh
Thực hiện Nghị quyết số 71/NQ-CP ngày 01/4/2025 và cập nhật, bổ sung Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngày 21/05/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Văn bản số 1709/BKHCN-CĐSQG gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn triển khai Mô hình Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh.
Trung tâm Giám sát, Điều hành thông minh tỉnh Lào Cai là mô hình trọng tâm hỗ trợ chuyển đổi dữ liệu số và công nghệ hiện đại
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh vai trò của Trung tâm Giám sát, Điều hành Thông minh (sau đây gọi tắt là Trung tâm IOC) trong hỗ trợ lãnh đạo chính quyền các cấp chỉ đạo, điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”. Bộ yêu cầu các địa phương đã có Trung tâm IOC rà soát, hoàn thiện theo hướng dẫn; các địa phương chưa triển khai cần đánh giá hạ tầng, dữ liệu và hệ thống thông tin hiện có, bảo đảm tận dụng hiệu quả trong quá trình triển khai và hoàn thành trước tháng 9/2025. Bộ cũng chỉ rõ việc khai thác hiệu quả Trung tâm IOC phụ thuộc vào quyết tâm và chỉ đạo sát sao của người đứng đầu địa phương.
Nguyên tắc hướng dẫn triển khai
Việc triển khai Trung tâm Giám sát, Điều hành Thông minh cấp tỉnh cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp đề ra yêu cầu, bài toán cụ thể cần giải quyết, chỉ đạo xây dựng và khai thác dữ liệu từ Trung tâm IOC thay cho báo cáo giấy. Trung tâm IOC phải bảo đảm đầy đủ dữ liệu cần thiết theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống” để phục vụ hoạt động điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Giải pháp kỹ thuật triển khai cần trung lập về công nghệ, có khả năng tích hợp đa dạng và dễ dàng mở rộng trong tương lai. Đồng thời, Trung tâm IOC phải thiết lập các kênh tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp, thực hiện giải pháp bảo vệ thông tin cá nhân. Cuối cùng, việc bảo đảm an toàn thông tin mạng và có giải pháp, cơ chế sao lưu dự phòng trong quá trình vận hành Trung tâm IOC.
Mục tiêu hướng dẫn triển khai
Trung tâm IOC cấp tỉnh có mục tiêu tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu địa phương trên tất cả các lĩnh vực, hỗ trợ lãnh đạo giám sát, điều hành trực tuyến, nâng cao hiệu quả quản trị và tương tác với người dân, doanh nghiệp, đồng thời xử lý tình huống khẩn cấp. Trung tâm phải sẵn sàng chia sẻ dữ liệu phục vụ chỉ đạo của Chính phủ khi cần và bảo đảm 100% báo cáo phục vụ các cuộc họp của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được kết xuất dữ liệu từ Trung tâm IOC.
Nội dung hướng dẫn triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh
Để triển khai hiệu quả Trung tâm IOC cấp tỉnh, các địa phương cần tập trung thực hiện 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Thứ nhất, rà soát hoàn thiện các chính sách, quy định cho hoạt động của Trung tâm IOC; hoàn thiện và ban hành Quy định về quản lý, vận hành, khai thác sử dụng Trung tâm IOC cấp tỉnh; hoàn thiện và ban hành Quy định về hình thức, các kênh tương tác để tiếp nhận, xử lý phản ánh và thông báo kết quả xử lý cho người dân; hoàn thiện và ban hành Quy định về hình thành kho dữ liệu dùng chung cho hoạt động của Trung tâm IOC.
Thứ hai, hình thành dữ liệu số cho hoạt động của Trung tâm IOC cần dựa trên yêu cầu điều hành thực tế của địa phương, xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong việc xây dựng, cập nhật dữ liệu theo tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống”. Các nhóm dữ liệu chính gồm: Lớp bản đồ số phục vụ hiển thị trực quan; dữ liệu lớp nền tảng ưu tiên như kinh tế – xã hội, dân cư, đất đai, nhà ở (khuyến khích số hóa 3 chiều); hiện trạng hạ tầng kỹ thuật đô thị; dữ liệu liên thông từ các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành; dữ liệu quy hoạch (bản vẽ, thuyết minh, quyết định); và dữ liệu từ các thiết bị Ineternet vạn vật (IoT) như camera, cảm biến môi trường, mực nước,...
Thứ ba, hoàn thiện hạ tầng số cho Trung tâm IOC nhằm bảo đảm kết nối ổn định, hiệu năng cao, khả năng chịu lỗi và lưu trữ đa dạng dữ liệu. Nội dung triển khai gồm: xây dựng và hoàn thiện hạ tầng mạng truyền dẫn (cáp quang, Internet, 4G/5G...); hạ tầng lưu trữ dữ liệu phù hợp quy mô và nhu cầu khai thác; hạ tầng tính toán hiệu năng cao, điện toán đám mây; các giải pháp thu thập dữ liệu từ thiết bị IoT; hạ tầng vật lý như phòng máy chủ, hệ thống an toàn thông tin; cơ sở vật chất vận hành Trung tâm (màn hình, máy trạm, bàn ghế...); và triển khai giải pháp dự phòng bảo đảm hoạt động liên tục 24/7.
Thứ tư, hoàn thiện các nền tảng số cho hoạt động của Trung tâm IOC: nền tảng nghiệp vụ điều hành cho phép hiển thị trực quan trên bản đồ số, kết nối kho dữ liệu dùng chung và hỗ trợ triển khai các kịch bản điều hành; nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu theo quy định hiện hành; nền tảng ứng dụng di động tích hợp dịch vụ chính quyền và doanh nghiệp, hỗ trợ người dân phản hồi, xác thực qua VNeID; và nền tảng trợ lý ảo hỗ trợ tương tác, tra cứu thông tin cho cán bộ, người dân và doanh nghiệp.
Thứ năm, xây dựng các kịch bản điều hành trực tuyến và dựa trên dữ liệu, phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Các kịch bản gồm: (1) điều hành kinh tế - xã hội, giúp lãnh đạo theo dõi chỉ số ngân sách, đầu tư công, doanh nghiệp, xuất nhập khẩu,... theo thời gian thực; (2) điều hành theo ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, môi trường... với dữ liệu phân vùng trên bản đồ số; (3) điều hành chuyên đề như trật tự đô thị, chiếu sáng thông minh, kinh tế vỉa hè, môi trường, đánh bắt cá, OCOP, lễ hội…; (4) điều hành tức thời ứng phó thiên tai, dịch bệnh, cháy nổ; (5) tương tác người dân, doanh nghiệp giúp tăng cường sự tham gia vào quản lý nhà nước thông qua giám sát, phân tích phản hồi từ mạng xã hội, đồng thời nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách.
Thứ sáu, bảo đảm nhân lực cho hoạt động và khai thác Trung tâm IOC cần căn cứ quy mô và yêu cầu vận hành liên tục. Gồm: bố trí đủ nhân lực vận hành; thành lập Tổ liên ngành phân tích dữ liệu do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; huy động chuyên gia xây dựng chỉ số, bài toán điều hành; ưu tiên tuyển dụng theo vị trí chuyên môn; và đẩy mạnh truyền thông, phổ cập kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp nhằm tăng cường tương tác với chính quyền.
Thứ bảy, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ được quy định tại Nghị định 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và các hướng dẫn hiện hành. Khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo Đề án 06, hệ thống phải tuân thủ đầy đủ yêu cầu kỹ thuật và quy định về an ninh mạng do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành.
Trung tâm Giám sát, Điều hành Thông minh cấp tỉnh (IOC) là mô hình trọng tâm hỗ trợ chính quyền địa phương chuyển đổi phương thức điều hành từ truyền thống sang dựa trên dữ liệu số và công nghệ hiện đại. Việc triển khai cần được thực hiện đồng bộ, từ hoàn thiện thể chế, hạ tầng, dữ liệu, nền tảng số, đến xây dựng kịch bản điều hành, bảo đảm nhân lực và an toàn thông tin. Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao hiệu quả quản trị, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách kịp thời, minh bạch, chính xác.