Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về chuyển đổi số quốc gia năm 2024, cho thấy, chuyển đổi số quốc gia đã đạt được nhiều kết quả nổi bật như:
Xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử của quốc gia tăng vượt 15 bậc
Tháng 9/2024, Liên Hợp Quốc công bố Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia trong xếp hạng Chính phủ điện tử, tăng 15 bậc so với 2022. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI "Rất Cao", đạt mục tiêu xếp hạng chính phủ điện tử năm 2024
Thể chế đã giải quyết được nhiều điểm nghẽn tồn tại từ lâu và tạo không gian, động lực phát triển mới phục vụ chuyển đổi số
Nghị định số 82/2024/NĐ-CP và Nghị định số 138/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành đã giải quyết 03 điểm nghẽn trong thực hiện đầu tư ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, đó là: “Khai thông” nguồn kinh phí chi thường xuyên cho đầu tư, mua sắm tài sản, trang thiết bị CNTT; “Phòng ngừa” nguy cơ lãng phí, thất thoát ngân sách do một phần mềm “may đo” được nhân bản bán nhiều lần với giải pháp “phần mềm phổ biến”; Tăng hiệu quả hoạt động của các hệ thống thông tin sau đầu tư với quy định đảm bảo thực hiện và bố trí kinh phí duy trì, vận hành và bảo trì hệ thống.
Đối với việc ban hành Nghị định số 147/2024/NĐ-CP của Chính phủ đã giải quyết được điểm nghẽn trong xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người dùng mạng xã hội là: Quy định tất cả MXH trong nước và xuyên biên giới tại Việt Nam đều phải xác thực tài khoản người dùng MXH bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Quy định này buộc cả người dùng và nhà cung cấp MXH tuân thủ, góp phần hạn chế tình trạng tin giả, lừa đảo, trốn thuế và vi phạm pháp luật khác trên các MXH cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Với việc Quốc hội thông qua Luật Dữ liệu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định, Chiến lược về dữ liệu quốc gia đã giải quyết 02 điểm nghẽn về dữ liệu cát cứ, hạn chế chia sẻ từ nhiều năm; điểm nghẽn về năng lực xử lý dữ liệu lớn các trung tâm dữ liệu.
Việc Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Định mức kinh tế kỹ thuật cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện, đã giải quyết điểm nghẽn về cơ sở pháp lý chuyển giao các hoạt động tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại các cơ quan nhà nước sang cho doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện, giúp nâng cao hiệu quả mô hình Trung tâm Phục vụ Hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp.
Thể chế số mới tạo không gian, động lực mới phát triển cho nền kinh tế, Luật Dữ liệu và Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số tạo không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp công nghệ số dựa trên dữ liệu và công nghệ, khuyến khích phát triển thị trường dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, và công nghiệp bán dẫn. Luật Viễn thông sửa đổi và Nghị định hướng dẫn mở rộng từ hạ tầng viễn thông sang hạ tầng số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số, và tăng cường quản lý nhà nước.
Hạ tầng số phát triển
Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng tần số thu về cho ngân sách nhà nước 12.697 tỷ đồng, tăng 88% số lượng tần số di động đã cấp cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng dịch vụ, cụ thể hóa mục tiêu phổ cập hạ tầng số quốc gia; Dịch vụ viễn thông 5G đã được các doanh nghiệp viễn thông cung cấp đến 63 địa phương. Tỷ lệ dân số được phủ sóng 5G toàn quốc đạt 25,5%, tỷ lệ dân số được phủ sóng 5G khu vực thủ phủ tỉnh đạt 93,34%; Thêm 01 tuyến cáp quang biển đi quốc tế; Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng đạt 82,5%, vượt mục tiêu 80% đến năm 2025; 89,4% thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh, giúp kết nối và sử dụng dịch vụ công. Việt Nam đã tắt sóng 2G, chuyển sang sử dụng băng rộng 4G, 5G.
Dữ liệu số và nền tảng số được phát triển, hoàn thiện, khai thác sử dụng hiệu quả
Quốc hội đã thông qua Luật Dữ liệu, với các chính sách như thiết lập thị trường dữ liệu, xây dựng sàn dữ liệu, quy định về chuyển và xử lý dữ liệu xuyên biên giới, và thành lập Trung tâm Dữ liệu quốc gia. Chính phủ đã xác định 10 cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó 5 cơ sở đã được hoàn thiện và khai thác. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai nhanh chóng, kết nối và chia sẻ dữ liệu với 18 bộ, ngành, 63 địa phương, và 4 doanh nghiệp, phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt tra cứu, đồng bộ dữ liệu. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia hiện kết nối với hơn 90 cơ quan, doanh nghiệp, cung cấp trên 30 dịch vụ dữ liệu, với 2,59 tỷ giao dịch, trong đó năm 2024 đạt 942 triệu giao dịch, tăng 58,6% so với cùng kì năm 2023. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng công bố hơn 150 nền tảng số để tối ưu hóa đầu tư và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong cung cấp dịch vụ.
Tăng 8 bậc về an toàn thông tin
Việt Nam tăng 8 bậc từ vị trí 25 lên vị trí 17/194 quốc gia, đạt 99,74/100 điểm, thuộc nhóm I Hình mẫu (gồm 46 quốc gia); Đứng thứ 04/38 nước khu vực Châu Á, Thái Bình Dương (Xếp hạng sau các quốc gia: Hàn Quốc đạt 100 điểm; Indonesia đạt 100 điểm và Singapore đạt 99,86 điểm).
Về kết quả phê duyệt hồ sơ cấp độ đảm bảo ATTT: Số HTTT được phê duyệt hồ sơ cấp độ tăng 27% đạt 92% (7540 hệ thống) so với năm 2023 là 65%. Trong đó, 49% HTTT đã triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn theo hồ sơ được duyệt; Doanh thu lĩnh vực An toàn thông tin mạng ước đạt 7.179 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng số tiền nộp NSNN của doanh nghiệp hoạt động ATTT mạng ước đạt 392 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2023; Số lượng lao động của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng ước khoảng 4.238 lao động, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023.
Về Chính phủ số
Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trên môi trường số tiếp tục được phát triển, hoàn thiện theo hướng trực tuyến và dựa trên dữ liệu. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động chuyển đổi số cho giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Năm 2024, Chính phủ đã giao 5.117 nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương, với hệ thống cung cấp API kết nối với hệ thống quản lý văn bản và điều hành của 3 bộ và 19 địa phương. Hệ thống họp và xử lý công việc đã phục vụ 23 phiên họp, xử lý 657 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế hơn 250.600 hồ sơ giấy. Tổng cộng, hệ thống đã phục vụ 111 hội nghị, xử lý 2.662 phiếu và thay thế khoảng 953.700 hồ sơ giấy.
Một trong những kết quả nổi bật trong phát triển Chính phủ số là việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Năm 2024, 100% người dân sử dụng VneID để đăng nhập DVC trực tuyến, với hơn 93,7 triệu lượt truy cập vào cuối tháng 11/2024. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 45%, tăng 28% so với 2023, trong đó khối bộ đạt 62,48%. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.475 dịch vụ công trực tuyến, chiếm 70,8% tổng số thủ tục hành chính, và đồng bộ hơn 382 triệu hồ sơ trạng thái xử lý, tăng 82,5 triệu so với năm 2023.
Về kinh tế số
Tỷ trọng kinh tế số trong GDP (ước tính) đạt 18,3%. Tăng trưởng 20% so với năm 2023. Nếu tiếp tục duy trì tốc độ này thì Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu kinh tế số (KTS) chiếm 20% GDP vào năm 2025. Công nghiệp công nghệ số đạt tỷ trọng KTS ICT chiếm 10,07% GDP; Doanh thu dự kiến 3.949.469 tỷ đồng (~154,76 tỷ USD, tính theo tỷ giá 25.520 đồng/USD), tăng 12,3% so với năm 2023 (137 tỷ USD); Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 133,2 tỷ USD, tăng 10,4% so với năm 2023; Tính đến ngày 31/11/2024, số doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động là 54.500 doanh nghiệp, tăng 14,89% so với cùng kỳ năm 2023; Tỷ lệ Giá trị Việt Nam/Doanh thu lĩnh vực Công nghiệp ICT ước đạt 31,8%, tăng 3,1% so với năm 2023; Là 1 trong 6 quốc gia trên thế giới làm chủ được công nghệ 5G.
Về số hóa các ngành kinh tế, tỷ trọng kinh tế số ngành, lĩnh vực chiếm 8,23% GDP; Số lượt doanh nghiệp tiếp cận Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa SME chuyển đổi số Smedx của Bộ TT&TT là: 1.305.765; Số lượng doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của Chương trình Smedx: 407.712, chiếm hơn 43% tổng số doanh nghiệp SME trên cả nước;
Thương mại điện tử năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỉ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023. Việt Nam đang được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
Xã hội số ngày càng có nhiều tiến triển tích cực
Tỷ lệ truy cập các nền tảng số Make in Viet Nam so với các nền tảng số nước ngoài đạt 25,25% tăng 5,62% so với năm 2023. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ truy cập các nền tảng số Make in Viet Nam so với các nền tảng số nước ngoài vượt thị phần 20%. Số lượng tải các ứng dụng di động của Việt Nam duy trì top 11 thế giới trong khi dân số Việt Nam top 15 thế giới; Hơn 87 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip được Bộ Công an cấp; 87,08% người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử; Hơn 13 triệu chữ ký số đã được cấp, đạt tỷ lệ 25% tổng số người trưởng thành có chữ ký số.
Về nhân lực số
Việt Nam có hơn 1,5 triệu lao động trong các doanh nghiệp, với 168 trường đại học và 520 trường nghề đào tạo về CNTT và điện tử viễn thông. Ngành CNTT thu hút khoảng 100.000 sinh viên mỗi năm, với tổng nhân lực CNTT đạt 561.000 người, chiếm 1,1% tổng lao động. Năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các khóa bồi dưỡng chuyển đổi số cho 412.677 lượt cán bộ, tăng 35,3%. Bộ cũng phổ cập kỹ năng số và an toàn thông tin cho người dân, với gần 40 triệu lượt truy cập nền tảng học trực tuyến.
Chuyển đổi số trong công tác báo chí
Các tài liệu và công cụ hỗ trợ đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số được xây dựng và cung cấp thông qua cổng PDT.GOV.VN, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tự đánh giá và triển khai; Hơn 1.800 lãnh đạo, cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí được tập huấn, nâng cao kỹ năng về chuyển đổi số, trong đó có các đơn vị tiêu biểu như Đài VOV, Báo Tuổi Trẻ và cơ quan báo chí tại Lào Cai; tỷ lệ cơ quan báo chí đạt mức trưởng thành tốt và xuất sắc đã tăng đáng kể, lần lượt đạt 23,05% và 9,93%.
Bên cạnh những kết quả đạt được trên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế chính sách để thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển các công nghệ mới (như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, tài sản số, dữ liệu số,…), chuyển đổi số chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; Các bộ, ngành, địa phương cơ bản chưa có đề án đột phá về chuyển đổi số; Chất lượng, hiệu quả trong cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến chưa cao; Nhiều ứng dụng, hệ thống được phát triển, tuy nhiên còn rời rạc, chưa hoàn thiện, chưa hình thành nhiều nền tảng số quy mô lớn, dùng chung; Dữ liệu đã hình thành, nhưng còn cát cứ, chưa kết nối, chia sẻ và khai thác hiệu quả. Việc triển khai các cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm; An toàn thông tin, an ninh mạng còn nhiều thách thức, nhiều nơi còn chưa được quan tâm và đầu tư tương xứng; còn nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, số vụ tội phạm sử dụng công nghệ cao xuyên quốc gia; sự cố tấn công mạng tăng; Nhân lực chuyên trách về CNTT, công nghệ số trong các cơ quan, tổ chức, các ngành kinh tế mới nổi còn thiếu và chưa đồng đều. Kỹ năng số chưa được phổ cập rộng rãi trong xã hội.