Indonesia đánh giá ngân sách chi tiêu CNTT, tránh chồng chéo các ứng dụng chính phủ
Bộ Cải cách hành chính và quan liêu (PAN-RB) là cơ quan chịu trách nhiệm nâng cao hiệu quả chi tiêu công nghệ số trong các cơ quan chính phủ trung ương Indonesia cho năm ngân sách 2024 sắp tới.
Bộ sẽ thực hiện đánh giá ngân sách trong khuôn khổ Hệ thống Chính phủ dựa trên điện tử (SPBE). Sáng kiến này đánh dấu một bước tiến trong việc khai thác toàn bộ tiềm năng của công nghệ số để thúc đẩy hoạt động của chính phủ.
Trung tâm dịch vụ một cửa dành cho người lao động nhập cư ở Indonesia. (Ảnh: the Jakarta Post)
Hamzah Fansuri, nhà phân tích chính sách trẻ về các vấn đề tổ chức và thể chế, đã nêu rõ tầm quan trọng của quy trình đánh giá ngân sách. Mục tiêu trọng tâm là điều chỉnh việc lập kế hoạch, lập ngân sách và phát triển hoặc mua sắm các ứng dụng SPBE. Bằng cách đó, chính phủ đặt mục tiêu đạt được cách tiếp cận có mục tiêu, hiệu quả để phát triển các ứng dụng số.
“Việc chi tiêu kém hiệu quả khi xây dựng các ứng dụng CPS là những thách thức hiện nay, vì vậy, cần có quy trình đánh giá ngân sách để giải quyết vấn đề này. Nhờ đó, hy vọng việc phát triển ứng dụng sẽ không trùng lặp với các đơn vị, cơ quan khác”, Hamzah giải thích.
Trong năm 2023, có 49 bộ, cơ quan đã tiến hành công tác đánh giá chi tiêu, thẩm định ngân sách của SPBE vào năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn 17 bộ, cơ quan chưa đưa ra đánh giá, cho thấy cần có sự tham gia toàn diện hơn.
Nỗ lực này bắt nguồn từ năm ngân sách 2021 khi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Quy hoạch Phát triển Quốc gia (Bappenas) cùng ủy quyền phân bổ các khuyến nghị chi tiêu công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) cho các cơ quan trung ương.
Chính phủ Indonesia kêu gọi các cơ quan của mình tuân theo quy trình phê duyệt chi tiêu cho CNTT trong khuôn khổ triển khai SPBE và xây dựng nguồn dữ liệu duy nhất của Indonesia (SDI). Việc này phải được hoàn thành trước khi quyết định ngân sách thu và chi của nhà nước. Đánh giá chi tiêu CNTT có thể được gửi thông qua ứng dụng Đánh giá ngân sách SPBE (EGA SPBE), có thể truy cập qua liên kết https://ega-spbe.layanan.go.id.
Giải quyết tình trạng chính phủ có quá nhiều ứng dụng, không liên thông với nhau
Về việc phát triển CPS ở Indonesia, trang Jakartaglobe mới đây đã có bài viết phản ánh việc chính phủ Indonesia áp dụng công nghệ số để tăng cường dịch vụ công (DVC) và tính minh bạch. Tuy nhiên, điều này đã dẫn đến một thách thức không ngờ tới khi các cơ quan nhà nước trở nên cạnh tranh trong quá trình chuyển đổi số (CĐS) đang diễn ra.
Bộ trưởng Bộ Cải cách hành chính và quan liêu Abdullah Azwar Anas đã đặt ra vấn đề này trong sự kiện Hội nghị bàn tròn hàng ngày của nhà đầu tư (IDR) ở Jakarta dù vẫn khẳng định rằng chính phủ điện tử (CPĐT) là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự.
Bộ trưởng Abdullah Azwar Anas (giữa) gặp gỡ các nhà lãnh đạo công nghệ để thảo luận về nỗ lực đẩy nhanh quá trình số hóa bộ máy chính phủ. (Ảnh: Antaranews)
Bộ trưởng Azwar cho biết: “Chúng ta thường phát hành một ứng dụng bất cứ khi nào có ý tưởng mới xuất hiện. Các nhà cung cấp thường tiếp cận các quan chức mới được bổ nhiệm để ra mắt ứng dụng mới. Kết quả là hiện nay chúng ta có 27.000 ứng dụng của chính phủ và đó chỉ là con số được ghi nhận. Đơn giản là có quá nhiều ứng dụng ở Indonesia và chúng thường không liên lạc được với nhau".
Bộ trưởng chỉ ra một vấn đề tương tự ở Vương quốc Anh, nơi trước đây có 1.000 dịch vụ dựa trên web nhưng nay đã giảm xuống chỉ còn 75.
Để giải quyết tình trạng này, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã áp đặt lệnh cấm các bộ mua ứng dụng mới. Bộ trưởng Azwar cho biết Bộ của ông cũng đã khởi xướng các biện pháp hạn chế phát hành ứng dụng mới và thúc đẩy khả năng tương tác của các hệ thống hiện có.
Achmad Fauzan, Trưởng phòng kế hoạch hệ thống ngân sách tại Ban Giám đốc ngân sách của Tổng cục ngân sách, cho biết việc phân bổ chi tiêu cho ICT xoay quanh phân loại các dữ liệu và thông tin công cộng, cơ sở hạ tầng CNTT, thiết bị và hệ thống thông tin của chính phủ.
Khuyến nghị đánh giá ngân sách không giới hạn ở một lĩnh vực cụ thể; đúng hơn, nó áp dụng cho các cơ quan muốn xây dựng hoặc mua lại các hệ thống CNTT mới hoặc các ứng dụng chung. Điều này mở rộng sang việc mua sắm máy chủ mới và trung tâm dữ liệu mới. Nó cũng phục vụ cho các Bộ hoặc cơ quan sử dụng CNTT để cung cấp cho người dùng SPBE các hệ thống ứng dụng chuyên dụng.
Việc đánh giá có hệ thống này đảm bảo rằng chi tiêu CNTT của cơ quan trung ương không chỉ có mục tiêu rõ ràng mà còn phù hợp với các quy trình và chức năng của họ. Nó nhằm mục đích loại bỏ các rào cản, ngăn chặn sự chồng chéo chi tiêu cho ICT với các cơ quan trung ương khác và giảm thiểu sự dư thừa trong dữ liệu của chính phủ.
Điều cần thiết là tránh tình huống các cơ quan phát triển ứng dụng không phù hợp với trách nhiệm của họ, vì điều này có thể dẫn đến xung đột với nhiệm vụ và chức năng của các cơ quan tương ứng.
Indonesia đẩy nhanh quá trình xây dựng CPS để thu hút đầu tư
Mới đây, theo hãng thông tấn Indonesia Antaranews, Bộ trưởng Cải cách hành chính và quan liêu Abdullah Azwar Anas đã gặp gỡ với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp (DN) công nghệ trong nước để thảo luận về nỗ lực đẩy nhanh quá trình số hóa các đơn vị và các dịch vụ của chính phủ.
Bộ trưởng Anas nói: "Chúng tôi muốn thu hút được nhiều DN đầu vào hơn để tăng tốc GovTech (công nghệ của chính phủ). Tổng thống đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Hiện nay, các con đường cao tốc thu phí và đường sắt đã được xây dựng, chúng tôi yêu cầu dịch vụ công cộng nhanh hơn".
Ông giải thích rằng sau khi học hỏi những kinh nghiệm hay về cải cách chính phủ và chuyển đổi số ở Estonia, Vương quốc Anh và các quốc gia khác, Bộ cần nhận được nhiều ý kiến đóng góp hơn từ các chuyên gia công nghệ. “Chúng tôi muốn nhận được ý kiến đóng góp cho dù những gì chúng tôi đang làm đã đúng hay chưa”.
Bộ trưởng Abdullah Azwar Anas (phải) trong chuyến thăm Services Australia hồi tháng 10/2023. (Ảnh: Antaranews)
Kể từ khi ban hành Quy định số 95 năm 2018 của Tổng thống liên quan đến Hệ thống SPBE, chính phủ Indonesia đã tiếp tục cải thiện việc số hóa các dịch vụ công.
Sự cải thiện được thể hiện rõ ràng qua xếp hạng Chỉ số Phát triển CPĐT (EDGI) của Indonesia, từ hạng 107 năm 2018, tăng lên hạng 88 vào năm 2020 và 77 vào năm 2022.
Năm nay, hoặc vào cuối nhiệm kỳ 2019 - 2024, chính phủ, thông qua Nhóm điều phối SPBE quốc gia do PAN-RB chủ trì, tìm cách xây dựng nền tảng vững chắc cho quá trình CĐS của chính phủ để quá trình này có thể diễn ra liên tục.
Theo gợi ý từ các quốc gia đã thành công trong việc số hóa chính phủ của họ, Bộ trưởng Anas cho biết, Indonesia cần tiến hành CĐS ở các bộ và cơ quan, tuyển dụng nhân tài số của chính phủ và tạo ra các dịch vụ số tập trung vào người dùng.
Ngoài ra, Bộ đang dự thảo quy định của Tổng thống về tăng tốc CĐS và tích hợp các dịch vụ số quốc gia sẽ được ký trong tháng 11/2023 này.
Bộ trưởng đã gặp và nói chuyện với Ainun Nadjib, người khởi xướng KawalCovid19, và Raymond Chin, Giám đốc điều hành của Sevenpreneur, cùng những người khác.
Đẩy nhanh quá trình CĐS trong các cơ quan hành chính công của chính phủ là một trong những nhiệm vụ của Indonesia nhằm thu hút các nhà đầu tư. Indonesia đang trông cậy vào CPĐT, cùng với các chính phủ khác, để cắt giảm quan liêu vì mong muốn trở nên thân thiện hơn với nhà đầu tư. Quốc gia Đông Nam Á đặt mục tiêu thu hút 1.400.000 tỷ Rp (khoảng 90 tỷ USD) đầu tư trong năm nay.
Bộ trưởng Azwar nói thêm rằng các quốc gia đi đầu trong phát triển CPĐT thường có mức đầu tư cao và chỉ số nhận thức tham nhũng tích cực. “Hãy nhìn vào các quốc gia như Đan Mạch, Phần Lan, Hàn Quốc và New Zealand. Tôi sẽ mô tả đây là những “đường cao tốc DVC” mà Tổng thống Indonesia hướng tới xây dựng"./.
Theo Tạp chí Thông tin và Truyền thông.
https://ictvietnam.vn/indonesia-danh-gia-ngan-sach-chi-tieu-cntt-tranh-chong-cheo-cac-ung-dung-chinh-phu-60330.html