image banner
Truyền thanh thông minh – Giải pháp nâng cao hiệu quả tuyên truyền
Công nghệ thay đổi, nhu cầu của công chúng thay đổi, hệ thống truyền thanh cơ sở cũng phải thay đổi. Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, truyền thanh thông minh là giải pháp tối ưu để tăng hiệu quả thông tin tuyên truyền ở cơ sở và bắt kịp xu thế thời đại.

Toàn tỉnh Lào Cai hiện có 152/152 xã, phường, thị trấn có đài truyền thanh hoạt động. Đến thời điểm này mới chỉ có 77 xã chuyển sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông hay còn gọi là truyền thanh thông minh. Còn lại 43 xã vẫn là đài truyền thanh không dây FM.

anh tin bai

Bàn giao cụm loa truyền thanh thông minh tại huyện Văn Bàn.

Qua thực tiễn hoạt động nhiều năm, đài truyền thanh có dây bộc lộ nhiều hạn chế như: Chất lượng âm thanh kém, không đồng đều trong toàn tuyến; việc kéo dây gian nan và tốn kém ở những nơi xa trung tâm; dây dẫn chằng chịt, mất mỹ quan, nguy hiểm, khó bảo dưỡng, sửa chữa. Đài truyền thanh không dây FM tiên tiến hơn với chất lượng âm thanh tốt và đồng đều trên toàn tuyến, có thể lắp đặt ở bất kỳ điểm nào có điện; việc lắp đặt, bảo trì đỡ vất vả hơn, song vẫn bộc lộ nhược điểm như đầu tư lớn, cán bộ kỹ thuật phải có chuyên môn; tại các trung tâm hành chính huyện, xã phải có mặt bằng để xây dựng cột anten dây co, dễ bị nhiễu sóng; phải có giấy phép xây dựng và hằng năm phải đóng phí sử dụng tần số, vô tuyến điện…

Trong khi đó, truyền thanh thông minh khắc phục triệt để những hạn chế của hai loại truyền thanh nêu trên. Truyền thanh thông minh thế hệ mới phát triển trên công nghệ IP (Internet Protocol- giao thức Internet), là công nghệ truyền dẫn thông tin số thông qua chuyển mạch gói, các thiết bị đầu - cuối được định địa chỉ IP. Thiết bị phát gửi sẽ số hoá thông tin, sau đó chia thành nhiều gói IP để truyền dữ liệu đến điểm thu thông qua môi trường truyền dẫn trên Internet/3G/4G, đồng thời lưu trữ dữ liệu trên điện toán đám mây phục vụ cho việc khai thác, sử dụng lâu dài.

Nhờ công nghệ IP, chất lượng âm thanh truyền đi vượt trội, nhanh chóng, tín hiệu truyền đi nguyên gốc so với nguồn phát. Bên cạnh đó, loa truyền thanh thông minh còn hỗ trợ kết nối đa dạng: Wifi, 4G; nguồn phát thông tin đa dạng: Tệp tin, microphone, thiết bị số hóa, văn bản, tiếp sóng. Đồng thời, hệ thống còn có ứng dụng cài trên thiết bị di động cho phép quản lý và điều khiển toàn bộ hệ thống truyền thanh ở mọi lúc, mọi nơi. Ứng dụng này cũng cho phép quản lý toàn bộ các chức năng của hệ thống truyền thanh; trong trường hợp khẩn cấp có thể thực hiện phát thanh trực tiếp từ điện thoại thông minh, không cần phải đến phòng thu; cho phép chuyển dữ liệu nội dung văn bản sang giọng nói trực tiếp xnhờ trí tuệ nhân tạo…

anh tin bai

Truyền thanh thông minh có rất nhiều tiện ích, khắc phục được những hạn chế so với các hình thức phát thanh truyền thống.

Những năm vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông tuyên truyền, hướng dẫn các địa phương trong tỉnh tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng đài truyền thanh thông minh. Một số địa phương đã tích cực triển khai, điển hình như thị xã Sa Pa: 16/16 xã, phường có đài truyền thanh thông minh; thành phố Lào Cai 07/17 xã, phường có đài truyền thanh thông minh. Đây là 2 địa phương đầu tư từ nguồn kinh phí của địa phương, một số đài đã đưa vào hoạt động, hiệu quả rõ nét.

Trong hai năm (2023-2024), Sở Thông tin và Truyền thông đã thực hiện lắp đặt 52 đài truyền thanh thông minh tại các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh bằng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nguồn vốn đối ứng của tỉnh. Dự kiến trong năm 2025, tiếp tục đầu tư 15 đài truyền thanh thông minh.

Theo Kế hoạch đổi mới và phát triển thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai, mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2025, 60% đài truyền thanh cấp xã chuyển đổi sang truyền thanh thông minh.

Với ưu thế vượt trội, giải pháp xây dựng truyền thanh thông minh sẽ giải quyết triệt để những hạn chế của truyền thanh truyền thống, từ đó tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực cho đài truyền thanh cơ sở, phát huy hiệu quả hơn việc truyền tải tin tức, thông tin đến người dân.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đề xuất các địa phương cần đa dạng hóa cách thức đưa tin phát thanh để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và đối tượng người nghe thông qua các nền tảng như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube… hoặc thông qua cổng/trang thông tin điện tử của địa phương… Từ đó thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận của người dân đối với hoạt động phát thanh không chỉ nghe loa truyền thanh mà còn có thể tiếp cận trên các nền tảng số, nhằm tăng cường tương tác hai chiều để người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của chính quyền, cùng giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cơ sở.

Nguyễn Khắc Chiến

Theo https://doingoailaocai.vn/vi/bai-viet/21122