Phát triển thương mại điện tử góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu số II Kim Thành.
Tăng cường hạ tầng logistics và thương mại điện tử
Những năm qua, để hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics trên địa bàn, tỉnh Lào Cai đã ban hành Đề án số 340/ĐA-UBND ngày 26/8/2021phát triển dịch vụ logistics tỉnh Lào Cai đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 đầu tư xây dựng trung tâm logistics trong khu Kim Thành - Bản Vược (Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai) diện tích 30 - 40ha. Đây là khu vực kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, các cảng thủy nội địa, ga đường sắt, cảng cạn, xe các khu công nghiệp, các cặp cửa khẩu quốc tế,... Phạm vi hoạt động chủ yếu gồm các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Hà Giang; kết nối với các cảng cạn, cảng biển (Hải Phòng, Hòn Gai, Cái Lân), cảng hàng không, nhà ga, bến xe các khu công nghiệp, các cửa khẩu (Lào Cai, Hà Giang). Đồng thời, ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết khu logistics (dịch vụ hậu cần) thuộc khu Kim Thành - Bản Vược, tổng diện tích quy hoạch 332ha, thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai đã được phê duyệt quy hoạch chung của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, khu vực chức năng logistics và kho bãi (khu logistics, kho chuyên dụng...) được quy hoạch với tổng diện tích là 53,64ha.
Xây dựng hệ thống các kho, bãi lưu giữ hàng hóa thông thường và các kho chuyên dụng như: Kho lạnh, kho mát trong phạm vi Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tập trung tại các khu vực cửa khẩu, điểm thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, nhằm đáp ứng nhu cầu lưu giữ đa dạng các loại hàng hóa như: Thực phẩm đông lạnh, thủy, hải sản, thực phẩm tươi sống, các loại trái cây, hóa chất các loại... Trong Khu kinh tế cửa khẩu hiện có 240 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 16 nghìn tỷ đồng, trong đó có trên 50 doanh nghiệp kinh doanh kho bãi, riêng tại Cửa khẩu Kim Thành có 4 doanh nghiệp logistics với diện tích trên 20 ha. Ngoài ra, tại cửa khẩu phát triển đa dạng các loại hình kinh doanh vận tải, dịch vụ hải quan và ủy thác xuất - nhập khẩu tại cửa khẩu. Năm 2024, tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt trên 2,53 tỷ USD, tăng 88% so với cùng kỳ 2023.
Bên cạnh đó, Lào Cai chú trọng nâng cấp hạ tầng giao thông góp phần thúc đẩy giao thương. Hoàn thành việc mở rộng lên 4 làn xe tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn Yên Bái - Lào Cai) với chiều dài 25km; xây dựng nhà liên ngành cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành; xây dựng đường Kim Thành - Ngòi Phát (tỉnh lộ 156) với chiều dài 15km; sửa chữa 3 cầu yếu (Quang Kim, Bản Vai, Bản Vược) trên tỉnh lộ 156B; sửa chữa quốc lộ 4D đoạn Bản Phiệt - Mường Khương; hoàn thành tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai tới Sa Pa,…
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số
Là một tỉnh vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn, nhưng từ năm 2005, tỉnh Lào Cai đã ra mắt sàn thương mại điện tử, trở thành một trong những địa phương đầu tiên ở khu vực Tây Bắc Việt Nam quan tâm tới hình thức thương mại mới mẻ này. Những năm gần đây, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều kế hoạch và chính sách về thương mại điện tử theo định hướng phát triển của quốc gia. Riêng giai đoạn từ 2021 đến nay, quy mô thị trường thương mại điện tử của tỉnh đã có bước phát triển đáng ghi nhận, với nhiều chỉ số tích cực. Theo thống kê về phát triển thương mại điện tử năm 2023, chỉ số thương mại điện tử đứng thứ 30/58, tăng 16 bậc so với 2020; Chỉ số giao dịch B2B (hình thức kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp) đứng thứ 21/58, tăng 15 bậc so với năm 2020; Chỉ số giao dịch B2C (một mô hình kinh doanh trong đó doanh nghiệp bán sản phẩm hoặc dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng) đứng thứ 29/58, tăng 22 bậc so với năm 2020. Chỉ số nguồn nhân lực và công nghệ thông tin đứng thứ 39/58, tăng 1 bậc so với năm 2020. Doanh thu thương mại điện tử năm 2024 đạt khoảng 1.200 tỷ đồng.

Khuyến khích việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển thương mại điện tử một cách bài bản; tập trung đầu tư mạnh mẽ cho hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, công nghệ thông tin; đưa 100% sản phẩm OCOP của tỉnh lên sàn thương mại điện tử và tiếp cận các sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Alibaba, Amazon;… là những nỗ lực bước đầu của Lào Cai trong việc phát triển thị trường thương mại điện tử. Đến thời điểm này, đã có những doanh nghiệp địa phương chủ yếu kinh doanh, phân phối sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số cũng đã bắt đầu giới thiệu và bán sản phẩm trực tiếp tới khách hàng chỉ với một chiếc điện thoại thông minh.
Thương mại điện tử, kinh tế số đang giúp tạo ra những cơ hội thị trường ngày càng rộng lớn, giúp hàng hóa tiếp cận được với người tiêu dùng toàn cầu theo cách nhanh nhất, tiết kiệm chi phí nhất. Với vị trí cửa ngõ, cầu nối giao thương thì tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang có đầy đủ dư địa, tiềm năng và cơ hội để tăng cường hợp tác phát triển lĩnh vực này.
Tháng 12 năm 2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ngay sau đó Lào Cai đã ban hành Kế hoạch Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh Lào Cai giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến 2045. Lào Cai phấn đấu thành địa phương tiên phong trong ứng dụng và phát triển công nghệ số, đổi mới sáng tạo, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Phấn đấu đến năm 2030, kinh tế số đóng góp tối thiểu 20% GRDP của tỉnh; 100% doanh nghiệp đang hoạt động ứng dụng khoa học, công nghệ, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh và quản trị; 80% giao dịch không dùng tiền mặt trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
Phủ sóng mạng 5G tiến tới 6G tại các trung tâm kinh tế, hành chính và khu công nghiệp; xây dựng và vận hành trung tâm dữ liệu cấp tỉnh đạt chuẩn quốc gia, tích hợp công nghệ điện toán đám mây và dữ liệu lớn; triển khai các đô thị thông minh, sử dụng công nghệ IoT và AI để cải thiện quản lý đô thị và cung cấp dịch vụ công.
Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt 30%; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo với ít nhất 20 doanh nghiệp khởi nghiệp đạt thành tựu nổi bật vào năm 2030; thu hút ít nhất 3 tổ chức, doanh nghiệp công nghệ đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Lào Cai.
Hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong chuyển đổi số
Tỉnh Lào Cai chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc chuyển đổi số và ứng dụng thương mại điện tử vào sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng. Các dịch vụ thuế điện tử như kê khai thuế, hóa đơn điện tử và hoàn thuế điện tử được triển khai nhằm rút ngắn thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng ký kinh doanh qua mạng và ứng dụng các giải pháp công nghệ số như mã vạch, mã QR để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Thông qua các đề án khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng các công nghệ số cải tiến máy móc, mô hình sản xuất, kinh doanh, tối ưu hóa hoạt động quản lý cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, không dùng tiền mặt và trong mua sắm trực tuyến.
Thực hiện công bố danh mục dịch vụ công trực tuyến toàn trình, dịch vụ công trực tuyến một phần của tỉnh Lào Cai, chú trọng các thủ tục về đăng ký kinh doanh, đầu tư và các thủ tục khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch. Vận động khuyến khích doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú xây dựng website quảng bá, tích hợp dịch vụ đặt phòng khách sạn, đặt tour trực tuyến, thanh toán trực tuyến. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tạo gian hàng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước (Postmart, Voso, Tiki, Lazada, Shopee, Sendo) và tham gia các nền tảng xuất khẩu trực tuyến, mạng xã hội...
Lào Cai, với một nền kinh tế trẻ trung và năng động, với vị trí cửa ngõ, cầu nối giao thương giữa Việt Nam và các nước Asean với vùng Tây Nam, Trung Quốc, thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới đang được tỉnh kỳ vọng sẽ nắm giữ vai trò dẫn dắt nền kinh tế số trong tương lai không xa.
Với quan điểm và mục tiêu xuyên suốt "Doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển", tỉnh Lào Cai cam kết đồng hành, hỗ trợ thiết thực và hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp ở cả trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội, đầu tư phát triển thương mại điện tử, các dịch vụ logistics, xuất nhập khẩu, tài chính - ngân hàng; cùng nhau hợp tác, chia sẻ thành công và xây dựng Lào Cai sớm trở thành một cửa ngõ kinh tế số trọng điểm của Việt Nam với khu vực và thế giới.
Hải Anh
Nguồn: Thông tin đối ngoại Lào Cai