Lào Cai triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW về khoa học, công nghệ và chuyển đổi số

Tập huấn kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số cho thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng huyện Bảo Yên
Kế hoạch xác định rõ vai trò then chốt của công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong toàn tỉnh. Theo đó, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban được thành lập; kiện toàn Tổ giúp việc, giao Văn phòng Tỉnh ủy làm cơ quan thường trực; nâng cấp Phòng Cơ yếu - CNTT thành Phòng Chuyển đổi số - Cơ yếu. Các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết được tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các văn kiện Đảng bộ các cấp.
Lào Cai đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức và truyền thông sâu rộng về Nghị quyết qua các buổi sinh hoạt chính trị, lớp tập huấn, diễn đàn khoa học và các sản phẩm truyền thông đa phương tiện. Nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo trong học đường như STEM, hội thảo, thi sáng kiến được tổ chức, cùng với vai trò tích cực của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2026, người dân đủ điều kiện trở thành công dân số.
Về thể chế chính sách và nguồn lực, tỉnh sẽ rà soát các văn bản pháp luật, thành lập tổ công tác liên ngành để kiến nghị sửa đổi phù hợp. Các chính sách ưu đãi như hỗ trợ tài chính, tín dụng, thuế đất, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo… được triển khai để thu hút doanh nghiệp công nghệ. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, khuyến khích cơ chế đặt hàng nghiên cứu và thương mại hóa kết quả khoa học.
Phong trào đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đẩy mạnh với các chương trình như “Công dân số”, “Doanh nghiệp tiên phong”, “Bình dân học vụ số”… Tỉnh hỗ trợ kết nối ý tưởng với doanh nghiệp, xây dựng thư viện số và nhân rộng mô hình hiệu quả trong cộng đồng.
Phát triển hạ tầng số, ứng dụng và dịch vụ số hiện đại, đồng bộ và an toàn là một trong những trụ cột quan trọng. Phủ sóng 5G tiến tới 6G, mở rộng cáp quang đến vùng sâu, tích hợp IoT vào hạ tầng, triển khai đô thị thông minh tại Lào Cai, Sa Pa, Bắc Hà. Các công nghệ hiện đại như AI, blockchain, nhận diện khuôn mặt được ứng dụng trong logistics, thương mại biên giới. Hệ thống dữ liệu dùng chung được kết nối toàn diện với trung ương. Các trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm và trung tâm chuyển đổi số được đầu tư xây dựng để phục vụ nhu cầu đào tạo, nghiên cứu và triển khai công nghệ tại chỗ.
Trên cơ sở đó, một hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được hình thành với chiến lược phát triển 10 năm. Các trung tâm nghiên cứu, phòng lab công nghệ cao, không gian sáng tạo (makerspace) và khu vườn khoa học được xây dựng tại địa phương, kết nối chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng. Kế hoạch tổ chức “Khu vườn khoa học” và “Maker Space” (không gian sáng tao) di động tại các địa phương phù hợp để khuyến khích các cuộc thi STEM, robotics, hackathon ngay tại trường và cộng đồng địa phương.
Trong lĩnh vực đào tạo và phát triển nhân lực, tỉnh đề ra chiến lược 5 năm xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó khảo sát và lập danh mục các lĩnh vực ưu tiên để xây dựng chính sách đào tạo và thu hút phù hợp. Thiết lập “Phòng STEM di động”, học bổng sáng tạo, nâng cao kỹ năng số cho cán bộ, công chức và người lao động. Tỉnh phối hợp doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để hiện đại hóa đào tạo và xây dựng cơ sở dữ liệu nhân lực kết nối hệ thống quốc gia.
Chuyển đổi số cấp tỉnh được đẩy mạnh trong toàn bộ hệ thống chính trị và các ngành mũi nhọn như du lịch, nông nghiệp, logistics, giáo dục. Các quy trình nghiệp vụ được số hóa, dữ liệu được tích hợp và chia sẻ 2 chiều giữa địa phương với trung ương. Hộ kinh doanh, hợp tác xã được hỗ trợ xây dựng thương hiệu số và ứng dụng công nghệ như blockchain, AI, Big Data.
Một nội dung trọng tâm khác là đảm bảo an ninh mạng và chủ quyền số. Tỉnh xây dựng Trung tâm giám sát an toàn thông tin, hệ thống phòng thủ mạng nhiều lớp, ban hành quy chế bảo vệ dữ liệu cá nhân và ứng cứu sự cố mạng. Giải pháp “Make in Vietnam” được ưu tiên để tăng tính tự chủ và bảo vệ chủ quyền số.
Lào Cai mở rộng hợp tác với các tỉnh miền núi phía Bắc và quốc tế, nhất là với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để chia sẻ hạ tầng, dữ liệu, triển khai các khu hợp tác về kinh tế số, hướng tới trung tâm kết nối Việt Nam – ASEAN – Tây Nam Trung Quốc.
Hệ thống giám sát và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết được tổ chức bài bản, có bộ chỉ tiêu định lượng và định tính cụ thể. Hệ thống giám sát và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết được tổ chức bài bản, có bộ chỉ tiêu định lượng và định tính cụ thể. Các kết quả được tổng kết, rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời để đáp ứng thực tiễn và tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Công tác tuyên truyền được duy trì thường xuyên để tạo đồng thuận và khơi dậy tinh thần đổi mới sáng tạo trong toàn tỉnh.
Với tầm nhìn chiến lược, cách tiếp cận toàn diện và hệ thống giải pháp đồng bộ, Kế hoạch không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị cao mà còn mở ra hướng đi mới cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gắn với đặc thù địa phương. Đây không chỉ là động lực then chốt để nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của tỉnh, mà còn là nền tảng quan trọng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số bền vững.