image banner
Xây dựng xã hội số toàn diện từ nền tảng kỹ năng số cơ bản
Trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số đang được triển khai mạnh mẽ trên toàn quốc, việc phổ cập kỹ năng số cho người dân đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm nhằm xây dựng một xã hội số toàn diện, công bằng và không ai bị bỏ lại phía sau. Nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch số 01-KH/BCĐTW ngày 21/03/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành “Khung kiến thức, kỹ năng số cơ bản” và “Hướng dẫn đánh giá, xác nhận hoàn thành mức độ phổ cập kỹ năng số”.
anh tin bai

Ảnh minh hoạ

Khung kỹ năng số cơ bản phiên bản 1.0 được thiết kế hướng đến 4 nhóm đối tượng trọng tâm:học sinh, sinh viên; người dân; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước; người lao động trong doanh nghiệp. Mỗi nhóm có nhu cầu khác nhau về sử dụng công nghệ, vì vậy việc phân loại đối tượng giúp việc triển khai chương trình đào tạo và đánh giá kỹ năng số được cá nhân hóa và hiệu quả hơn.

Khung kỹ năng số cơ bản được xây dựng với định hướng tập trung vào những năng lực thiết yếu, có khả năng ứng dụng ngay vào học tập, công việc và đời sống hàng ngày. Điểm nổi bật trong khung kiến thức, kỹ năng số cơ bản (phiên bản 1.0) là việc lồng ghép các yếu tố liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), coi AI là một trong những trọng tâm của kỹ năng số trong thời đại mới, góp phần xây dựng nền tảng cần thiết cho công dân số hiện đại. Khung kỹ năng được phát triển dựa trên sự tham khảo, đối sánh với Khung toàn cầu về kỹ năng số cơ bản của UNESCO, khung năng lực số của công dân DigComp 2.2. Đồng thời, kế thừa các khung kỹ năng từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thời gian trước đây.

Nội dung của khung bao gồm hai phần chính: phần đầu là kiến thức nền tảng về nhận thức số, giúp người học hiểu rõ các khái niệm cơ bản như chuyển đổi số, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Phần thứ hai là hệ thống kỹ năng số cơ bản, được chia thành sáu nhóm (Sử dụng thiết bị và phần mềm; Khai thác dữ liệu và thông tin; Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số; Sáng tạo nội dung số; Đảm bảo an toàn; Giải quyết vấn đề). Mỗi nhóm năng lực đều được mô tả rõ ràng các kỹ năng thành phần, giúp người học dễ dàng tiếp cận và tự đánh giá.

Song song với việc ban hành khung kỹ năng, Bộ cũng giới thiệu “Hướng dẫn đánh giá và xác nhận hoàn thành mức độ phổ cập kỹ năng số”, nhằm đảm bảo cơ sở thống nhất trong công tác đánh giá, xác nhận trình độ kỹ năng số cho các nhóm đối tượng trên toàn quốc. Phương pháp đánh giá được thiết kế linh hoạt, kết hợp giữa trắc nghiệm lý thuyết và bài thực hành trên nền tảng số. Hệ thống đánh giá sử dụng các công cụ hiện đại, có khả năng tích hợp AI để cá nhân hóa nội dung và phân tích kết quả, đồng thời đảm bảo tính bảo mật, công bằng và minh bạch.

Phần hướng dẫn phân chia cụ thể phương thức đánh giá theo từng nhóm đối tượng. Với người dân nói chung, quá trình đánh giá có thể diễn ra tại các trung tâm cộng đồng, điểm truy cập công cộng hoặc thông qua ứng dụng, nền tảng học tập, với sự hỗ trợ của tình nguyện viên và cán bộ địa phương.

Cán bộ, công chức, viên chức sẽ được đánh giá các khoá tập huấn, đào tạo bồi dưỡng. Học sinh, sinh viên được đánh giá thông qua chương trình của các cơ sở giáo dục, còn người lao động trong doanh nghiệp được đánh giá trong quá trình đào tạo nội bộ của doanh nghiệp và đợt tuyển dụng hoặc đánh giá định kỳ nhân viên.

Việc ban hành đồng bộ hai nội dung này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện tại Việt Nam. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ chính quyền địa phương tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số một cách hiệu quả, mà còn là kim chỉ nam để người dân từng bước làm chủ công nghệ, ứng dụng số vào học tập, lao động, sản xuất. Thông qua việc sử dụng thành thạo các nền tảng số, người dân có thể thực hiện thủ tục hành chính nhanh chóng, tiếp cận dịch vụ tài chính tiện lợi, mua bán hàng hóa trực tuyến, đồng thời bảo vệ bản thân khỏi các rủi ro trên không gian mạng.

Linh Giang