image banner
Người dùng dịch vụ công đang là mục tiêu mới của các nhóm lừa đảo trực tuyến

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong cải cách hành chính của Chính phủ không chỉ nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, mà còn là bước tiến thiết yếu để hiện đại hóa hoạt động quản trị. Theo mục tiêu đề ra, đến ngày 30/6/2025, tất cả lãnh đạo, cán bộ, công chức các bộ, ngành và địa phương (cấp tỉnh, huyện, xã) phải xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tuy nhiên, cùng với những lợi ích mà môi trường số mang lại, đây cũng là cơ hội để các nhóm lừa đảo nhắm vào đối tượng người dùng dịch vụ công. 

anh tin bai

Ảnh minh hoạ

Đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ Công an phường (hoặc xã, thị trấn) gọi điện cho người dân thông báo tài khoản Vneid của họ bị lỗi thông tin trên hệ thống dữ liệu, không cập nhật được dữ liệu như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm… và giới thiệu đối tượng giả danh cán bộ trung tâm dịch vụ Hành chính công gọi điện hướng dẫn cập nhật thông tin cá nhân và đồng bộ tài khoản định danh điện tử mức độ 2, mức độ 3. Tiếp theo, người này gửi đường link qua tin nhắn hoặc Zalo và hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt phần mềm VNeID giả mạo đã được đối tượng tạo ra nhằm xâm nhập điện thoại di động, tiến hành theo dõi, thu thập, đánh cắp thông tin cá nhân, như: Tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực giao dịch ngân hàng được gửi đến trên điện thoại (OTP SMS/OTP Safekey).... Sau khi lấy được thông tin, đối tượng lừa đảo sẽ truy cập các ứng dụng ngân hàng để chuyển tiền, chiếm đoạt tiền trên tài khoản ngân hàng của người dùng.

Một người dân sống tại Phường Xuân Tăng thành phố Lào Cai đã bị mất 24 triệu trong tài khoản sau khi làm theo hướng dẫn qua cuộc gọi từ một người tự xưng là công an Phường. Người này đề nghị ông cài đặt ứng dụng để cập nhật định danh mức 2 cho số thẻ căn cước của mình. Ngoài ra, rất nhiều người dân trên địa bàn thành phố cho biết họ nhận được các cuộc gọi từ những người tự xưng là cán bộ Trung tâm dịch vụ Hành chính công hoặc công an thành phố yêu cầu họ đến Trung tâm Hành chính công để làm thủ tục cập nhật thông tin. Nếu người dân từ chối với lí do bận thì ngay lập tức những người này đề nghị hướng dẫn họ cập nhật online để tiết kiệm thời gian.

Có thể nói, mặc dù các thủ đoạn lừa đảo trực tuyến hiện nay không còn là điều mới mẻ, nhưng chúng đang ngày càng phát triển với quy mô và độ tinh vi cao hơn. Các đối tượng lừa đảo không ngừng cải tiến cách thức tiếp cận, lợi dụng các kẽ hở trong hệ thống bảo mật và xu hướng chuyển đổi số hiện nay để tạo ra những chiêu trò mạo danh chính thức, giả mạo các cơ quan chức năng nhằm đánh lừa người dùng. Qua đó, họ không chỉ lấy cắp thông tin cá nhân mà còn lợi dụng những sai sót trong việc xử lý giao dịch trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của người dân. Sự tinh vi này đòi hỏi mỗi cá nhân cần phải nâng cao cảnh giác và trang bị thêm kiến thức bảo mật nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của mình trong kỷ nguyên số. 

Hoàng Linh