Doanh nghiệp nhà nước cần tiên phong chuyển đổi số, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững
Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy sự lớn mạnh của các doanh nghiệp nhà nước.
(Ảnh minh họa)
Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao Báo cáo của Bộ Tài chính và biểu dương các doanh nghiệp nhà nước đã chủ động đề xuất giải pháp chuyển đổi số và thúc đẩy tăng trưởng, góp phần duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Dù chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số gần một triệu doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ nguồn lực vật chất rất quan trọng và có vai trò lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.
Thông báo nêu rõ, doanh nghiệp nhà nước cần phát triển mạnh mẽ trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, gắn với kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế sáng tạo để nâng cao năng suất lao động. Sự phát triển của doanh nghiệp không chỉ phục vụ mục tiêu nội tại mà còn đóng góp thiết thực vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước, đặc biệt trong tiến trình thực hiện hai mục tiêu chiến lược: đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để hiện thực hóa các mục tiêu đó, doanh nghiệp nhà nước phải vừa tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định chính trị, ổn định lòng dân, trật tự an toàn xã hội, từ đó tạo nền tảng để nâng cao đời sống nhân dân và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Chuyển đổi số được xác định là yêu cầu tất yếu, là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển kinh tế số của doanh nghiệp và đất nước. Trong đó, doanh nghiệp nhà nước với nguồn lực, điều kiện và nhân sự cần tiên phong đi đầu, đóng vai trò dẫn dắt trong công cuộc chuyển đổi số, góp phần xây dựng Chính phủ số, xã hội số và công dân số. Các nhiệm vụ trọng tâm bao gồm hoàn thiện quy trình, quy định phù hợp với định hướng chung; số hóa, chuẩn hóa hồ sơ và tài liệu để xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; phát triển hạ tầng số gắn với hạ tầng quốc gia; xây dựng sản phẩm, dịch vụ số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, nhất là trí tuệ nhân tạo trong quản lý, điều hành; bảo đảm an toàn dữ liệu, an ninh mạng và phát triển nguồn nhân lực số chất lượng cao, từ đó tạo nền tảng cho phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
Song song với đó, doanh nghiệp nhà nước cần phấn đấu đạt mức tăng trưởng hai con số, góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng GDP quốc gia đạt từ 8% trở lên vào năm 2025 và duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong những năm tiếp theo. Điều này đòi hỏi sự tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống như tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, đồng thời phát huy hiệu quả các động lực mới. Trong lĩnh vực xuất khẩu, doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa thị trường, mở rộng mạng lưới phân phối và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Về đầu tư, cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tiết kiệm chi phí để tái đầu tư. Thị trường nội địa cần được khai thác tối đa nhằm thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Quản trị thông minh và đổi mới sáng tạo phải được ưu tiên để giảm chi phí quản lý, tăng hiệu quả vận hành. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, khuyến khích văn hóa đổi mới, sáng tạo và khen thưởng kịp thời những cá nhân, tập thể có đóng góp tích cực.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước thực hiện hiệu quả các mục tiêu này, các bộ, ngành và địa phương cần tích cực rà soát, tháo gỡ vướng mắc thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian xử lý và chi phí tuân thủ. Đồng thời, cần tập trung phát triển hạ tầng chiến lược, nâng cao chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy giải ngân đầu tư công và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là yếu tố then chốt để tạo lập môi trường thuận lợi, giúp doanh nghiệp nhà nước phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Với vai trò trụ cột của nền kinh tế, doanh nghiệp nhà nước cần phát huy tối đa tiềm lực sẵn có, chủ động đổi mới tư duy, hành động quyết liệt và đồng bộ trong quá trình chuyển đổi số và phát triển bền vững. Khi doanh nghiệp nhà nước thực sự trở thành lực lượng tiên phong, dẫn dắt, không chỉ tạo ra động lực tăng trưởng cho toàn nền kinh tế mà còn góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045.