image banner
Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo: Động lực mới cho xây dựng và thi hành pháp luật
Ngày 30/4/2025, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên số. Nghị quyết xác định rõ định hướng: hiện đại hóa công tác pháp luật phải gắn với ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data). Đây không chỉ là yêu cầu tất yếu của thời đại mà còn là giải pháp đột phá để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật.
anh tin bai
Nghị quyết 66-NQ/TW xác định công nghệ số và AI là động lực mới trong đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật.

Ưu tiên phát triển hạ tầng số và cơ sở dữ liệu “sống”

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết là ưu tiên nguồn lực cho phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng các cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật. Các đề án chuyên biệt như Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật, Đề án ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng và kiểm tra rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần được triển khai sớm, bảo đảm tiến độ, chất lượng và kinh phí phù hợp, tránh tình trạng “công nghệ đi sau chính sách”.

Hệ thống dữ liệu cần tuân thủ nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống” thông tin phải chính xác, đầy đủ, được chuẩn hóa và cập nhật liên tục. Đồng thời, phải bảo đảm liên thông, an toàn, bảo mật thông tin và thuận tiện trong khai thác, sử dụng.

Chuyển đổi số trong phổ biến pháp luật và dịch vụ pháp lý

Nghị quyết đặt mục tiêu số hóa toàn diện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý. Theo đó, lồng ghép nội dung pháp luật vào các phong trào “học tập số”, tận dụng mạng xã hội, ứng dụng di động đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với người dân.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi các dịch vụ pháp lý truyền thống sang hình thức trực tuyến cũng được nhấn mạnh. Các dịch vụ như tư vấn pháp luật, đăng ký biện pháp bảo đảm, tra cứu quy định pháp luật… sẽ được cung cấp qua các nền tảng số hiện đại, thân thiện với người dùng. Nghị quyết cũng khuyến khích doanh nghiệp công nghệ số phát triển các công cụ pháp lý thông minh như chatbot tư vấn luật, cổng hỏi đáp pháp luật trực tuyến, dịch vụ xác thực tài liệu điện tử...

Cơ chế đặc biệt đẩy nhanh thực hiện

Để hiện thực hóa các định hướng trên, Nghị quyết đề xuất áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù tương tự trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việc tháo gỡ rào cản thể chế, thiết lập hành lang pháp lý thử nghiệm (sandbox) và tăng quyền tự chủ, phân cấp trong triển khai công nghệ là điều kiện then chốt để hình thành mô hình đổi mới sáng tạo tiên phong trong lĩnh vực pháp luật.

Nghị quyết 66-NQ/TW đã xác định rõ: công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn chính là công cụ để đổi mới toàn diện cách xây dựng và thực thi pháp luật. Từ việc phát hiện xung đột trong văn bản, hỗ trợ xây dựng chính sách, đến phổ biến pháp luật và cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân – tất cả đều cần được chuyển đổi sang môi trường số, thuận tiện, minh bạch và an toàn hơn. Với quyết tâm đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và tạo cơ chế triển khai linh hoạt, công tác pháp luật sẽ thực sự thích ứng với thời đại số và phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của đất nước.

Bùi Giang - Phòng ĐT&NDS