Các ngành, lĩnh vực “toả sáng” trong bức tranh chuyển số của Việt Nam
Trong những kết quả tích cực ấy, đáng chú ý, nhiều bộ, ngành, lĩnh vực như: Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); Y tế; Tài nguyên & Môi trường (TN&MT); Tài chính; Hải quan; Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT); Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH); Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã toả sáng trong bức tranh CĐS toàn diện của quá trình phát triển của Việt Nam hiện nay.
Số hóa đầy đủ cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành GD&ĐT
Điểm sáng tích cực của ngành GD&ĐT chính là đã chủ động CĐS thông qua việc số hóa đầy đủ CSDL ngành GD&ĐT và kết nối với các CSDL quốc gia. Đặc biệt, năm 2023, ngành GD&ĐT lần đầu tiên đưa vào khai thác sử dụng CSDL về giáo dục đại học (HEMIS), trong đó có công tác tuyển sinh thực hiện trực tuyến trên HEMIS.
Cũng nhờ có hệ thống HEMIS, đã giúp kết nối thông suốt với CSDL quốc gia về bảo hiểm và thực hiện đồng bộ dữ liệu về người lao động (NLĐ), việc làm. Đến nay, Bộ GD&ĐT đã đồng bộ dữ liệu về NLĐ, việc làm của trên 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp năm 2022 và gần 7.400 sinh viên tốt nghiệp năm 2023.
Thông tin trong Hệ thống CSDL GD&ĐT được sử dụng thống nhất trong toàn ngành GD&ĐT
Phần mềm HEMIS là hệ thống phần mềm lớn về CSDL cũng như quản lý CSDL của giáo dục đại học.
Hơn nữa, năm 2023, các CSDL về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đã được rà soát thu thập đầy đủ, làm sạch dữ liệu, kết nối với các CSDL quốc gia về dân cư, bảo hiểm, công chức, viên chức phục vụ CĐS quốc gia.
Cũng nhờ sự nỗ lực này, đến nay, ngành GD&ĐT đã thực hiện xác thực và định danh được gần 24,21/25 triệu hồ sơ điện tử công dân là giáo viên và học sinh; đã đồng bộ, làm giàu cho dữ liệu dân cư thông tin (chuyên ngành GD&ĐT) của hơn 24 triệu công dân là giáo viên, cán bộ quản lý và học sinh ngành.
Ảnh minh họa
Y tế đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC) số
Bộ Y tế đã thúc đẩy CĐS mạnh mẽ thông qua việc CCHC số. Cụ thể, đến nay đã có 100% các cơ sở khám, chữa bệnh có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo nhiều hình thức khác nhau.
Đặc biệt hơn, hệ thống khám, chữa bệnh từ xa của ngành Y tế đã và đang được triển khai hiệu quả tại hơn 1.000 cơ sở y tế trong cả nước; đẩy mạnh ứng dụng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, hỗ trợ người dân…
Số hoá các trường thông tin lĩnh vực tài nguyên
Bộ TN&MT đã tiên phong, tích cực thực hiện CĐS, xây dựng mô hình, cấu trúc Chính phủ điện tử và cải cách hành chính (CCHC). Bộ TN&MT xếp hạng 6/17 Chỉ số CCHC (PAR index); 3/17 Chỉ số đánh giá CĐS (DTI); 2/17 Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT index).
63/63 tỉnh, thành phố xây dựng CSDL (450/705 huyện đã có CSDL); kết nối CSDL đất đai với CSDL quốc gia về dân cư (461/705 quận/huyện; 6.198/10.599 phường/xã, tổng số hơn 26 triệu thửa đất).
Cùng với đó, Ngành đã cung cấp trên 100 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), trong đó trên 50% DVCTT mức độ toàn trình; 89 DVCTT trên Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia; kết nối CSDL quốc gia lĩnh vực TN&MT với đăng ký doanh nghiệp (DN), bảo hiểm, dân cư. Các trường thông tin dữ liệu TN&MT được CĐS, tích hợp, hỗ trợ hiệu quả các tương tác hành chính lĩnh vực TN&MT các cấp.
Ngành Tài chính hướng đến nền tài chính số thông minh
Nói về kết quả nổi bật của Bộ Tài chính về CĐS, năm 2023 là năm thứ 9 liên tiếp (từ 2014 - 2022), Bộ Tài chính nằm trong nhóm 3 bộ, cơ quan ngang bộ dẫn đầu về PAR Index với kết quả Chỉ số CCHC đạt 89,76%.
Cũng trong hướng đi phát triển, Ngành xác định "đẩy mạnh hiện đại hóa, phát triển nền tảng tài chính số trên cơ sở ứng dụng CNTT gắn với CĐS" là một trong các đột phá trong "Chiến lược phát triển tài chính đến năm 2030", Bộ Tài chính đã tập trung triển khai có hiệu quả các hệ thống thông tin lớn, cốt lõi bám sát chương trình CĐS quốc gia, trong đó đặc biệt chú trọng hỗ trợ trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN như lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc.
Với việc áp dụng hệ thống Hóa đơn điện tử (HĐĐT) trên phạm vi toàn quốc, đến nay, tổng số lượng hóa đơn đã tiếp nhận và xử lý đạt gần 6,1 tỷ hóa đơn, trong đó 1,7 tỷ hóa đơn có mã; hơn 4,4 tỷ hóa đơn không mã.
Hiện nay, cơ quan thuế tiếp tục triển khai Bản đồ số hộ kinh doanh; vận hành hệ thống phân tích CSDL và quản lý HĐĐT dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI); triển khai mở rộng chương trình HĐĐT từ máy tính tiền...
Mới đây nhất, "Dịch vụ khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phương pháp khấu trừ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh" của Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) được Bộ TT&TT tôn vinh là 1 trong 4 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) xuất sắc.
Hải quan hướng đến các mô hình thông quan số
Năm 2023, ngành Hải quan luôn chủ động, nỗ lực, tích cực, chủ động triển khai Kế hoạch CĐS hải quan đến năm 2025, ngành đang hoàn thiện, xây dựng, vận hành Hệ thống CNTT thực hiện Hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan số việc xuất, nhập khẩu hàng hoá trong, ngoài nước hiện nay, đảm bảo phục vụ nền kinh tế số bền vững.
Bộ KH&ĐT đạt vị trí số 1 về CĐS
Báo cáo xếp hạng đánh giá mức độ CĐS năm 2022 (DTI 2022) do Bộ TT&TT công bố ngày 12/9/2023, trong các cơ quan cấp bộ và ngang bộ có DVC, Bộ KH&ĐT đã xuất sắc vươn lên vị trí số 1 với giá trị DTI là 0,8219, tăng 0,2093 so với năm trước.
Hơn nữa cũng trong năm 2023, Bộ KH&ĐT đã thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, kinh tế số, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành kinh tế mới như sản xuất chíp, bán dẫn, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài.
Công Thương đạt vị trí top đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng
Năm 2023, Bộ Công Thương đã tổ chức nhiều hoạt động về liên kết vùng phát triển thương mại điện tử (TMĐT), doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, TMĐT đã khẳng định được là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế.
Khai mạc Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday 2023.
Năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam dự kiến đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022. Tốc độ tăng trưởng TMĐT của Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới (tính đến tháng 12/2023, theo Statista).
Riêng đối với thủ tục Cấp giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D đã trao đổi 219.068 bộ hồ sơ với các nước trong khối ASEAN kể từ đầu năm thông qua Cơ chế một cửa ASEAN (ASW). Đây là chứng từ điện tử đầu tiên của Việt Nam được gửi ra nước ngoài, tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục trao đổi, xử lý trực tuyến các chứng từ thương mại khác dưới dạng điện tử khác theo các thỏa thuận và cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Với những kết quả đạt được, Bộ Công Thương xếp thứ nhất trong số các bộ, ngành theo xếp hạng của Bộ Chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC (theo công bố trên Cổng DVC quốc gia tính đến thời điểm hiện tại).
Nông nghiệp có bước tiến trong CĐS
Năm 2023, ngành nông nghiệp, nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thủy sản. Tuy nhiên, Ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; thể hiện nổi bật ở nhiều mặt và lĩnh vực.
Hơn nữa, Ngành đã triển khai có hiệu quả nhiều: Đề án, Chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển ngành như Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao; có bước tiến trong xây dựng nông thôn mới, đổi mới tổ chức sản xuất, thực hiện CĐS và kịp thời làm việc với các hội, hiệp hội tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, người dân.
Đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội
Năm 2023, xác định rõ các nhiệm vụ được Chính phủ giao về thúc đẩy CĐS trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, Bộ LĐTB&XH đã tăng cường ứng dụng CNTT trong việc kết nối, khai thác dữ liệu từ CSDL Quốc gia về dân cư, các DVC thiết yếu cũng như việc triển khai chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội.
Kết quả, đến nay đã có 54/63 tỉnh/thành phố thực hiện chi trả không dùng tiền mặt cho các đối tượng an sinh xã hội, tổng kinh phí đã thực hiện chi trả đến nay là hơn 1.000 tỷ đồng.
Lĩnh vực KH&CN - điểm sáng số
Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã công bố kết quả cuộc bình chọn 10 sự kiện KH&CN nổi bật năm 2023. Trong đó, lĩnh vực khoa học ứng dụng, Viettel triển khai thành công trạm thu phát sóng 5G theo tiêu chuẩn Open RAN đầu tiên trên thế giới.
Hơn nữa, Viettel là đối tác đầu tiên trên thế giới triển khai sản phẩm Qualcomm vào mạng lưới với người dùng thực, tải dữ liệu thực. Với những kết quả ban đầu đạt được, đây là bước đột phá lớn không chỉ riêng ở Việt Nam mà còn với thế giới. Đặc biệt, với kết quả tích cực này, sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình thương mại hóa mạng 5G tại Việt Nam và thị trường quốc tế bằng một phần thiết bị 5G trong nước sản xuất vào năm 2024./.
Theo Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông.
https://ictvietnam.vn/cac-nganh-linh-vuc-toa-sang-trong-buc-tranh-chuyen-so-cua-viet-nam-62718.html