image banner
“Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật”

Đây là Đề án mà Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định phê duyệt số 244/QĐ-TTg ngày 05/02/2025. Quyết định này đánh dấu bước tiến mới trong công cuộc cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của cơ quan nhà nước về các văn bản pháp luật đang có mâu thuẫn, chồng chéo hoặc không còn phù hợp.

Theo đó, Đề án hướng đến việc ứng dụng công nghệ số nhằm xây dựng và vận hành Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu:

Tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức và cơ quan khi phản ánh, kiến nghị về những quy định pháp luật có vấn đề. Qua đó, giúp các bên liên quan theo dõi và giám sát quá trình tiếp nhận, xử lý một cách minh bạch và hiệu quả.

Đề án góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật trở nên thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch và dễ tiếp cận đối với người dân và doanh nghiệp.

Thông qua việc số hóa quy trình, các cơ quan chức năng sẽ nâng cao khả năng rà soát, kiểm tra văn bản pháp luật cũng như tổ chức thi hành pháp luật, từ đó đáp ứng nhanh chóng các yêu cầu, khúc mắc của xã hội.

anh tin bai

Quyết định nêu rõ, ba nhiệm vụ chính trong việc triển khai Đề án bao gồm: Đánh giá khách quan, đầy đủ thực trạng tiếp nhận, xử lý thông tin do cá nhân, tổ chức, cơ quan phản ánh, kiến nghị về quy định pháp luật có mâu thuẫn, chồng chéo, không còn phù hợp; Nâng cao chất lượng, hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin; Xây dựng và vận hành hệ thống thông tin tích hợp với các dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia. Quyết định cũng đồng thời cũng đưa ra 10 nhóm giải pháp và đề xuất thời hạn hoàn thành cụ thể.

Việc áp dụng công nghệ số trong tiếp nhận, xử lý kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật không chỉ giúp cải thiện quy trình làm việc của các cơ quan nhà nước mà còn mở ra cơ hội để người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách chủ động và minh bạch. Qua đó, góp phần tạo ra môi trường pháp lý ổn định, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao uy tín của nhà nước trong mắt cộng đồng.

Thời gian thực hiện Đề án dự kiến bắt đầu từ tháng 02/2025, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của chính quyền, hướng tới một nền hành chính công hiện đại, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách tốt nhất.

Lan Hương