image banner
Lào Cai sau 01 năm thực hiện tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030); UBND tỉnh Lào Cai đã tích cực vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Đề án 06 và sau hơn 01 năm đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

 

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và người dân tỉnh Lào Cai đã dần thay đổi về tư duy, nhận thức và thói quen, bước đầu sẵn sàng trải nghiệm, đón nhận để được thừa hưởng những giá trị, lợi ích được mang lại từ việc triển khai Đề án 06 nói riêng và chuyển đổi số nói chung. Với các mô hình, nền tảng số được triển khai mang lại hiệu quả trong thực tiễn đã góp phần đưa công tác chuyển đổi số của tỉnh Lào Cai từng bước đi vào thực chất, hiệu quả, phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Giải quyết, tháo gỡ nhiều "điểm nghẽn"

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Văn bản số 452/TTg-KSTT, ngày 23/5/2023 về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai Đề án 06, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Văn bản số 2404/UBND-KSTT ngày 26/5/2023 yêu cầu các Sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, đảm bảo việc triển khai thực hiện Đề án 06 và báo cáo đánh giá kết quả triển khai thực hiện; Văn bản số 2489/UBND-KSTT ngày 31/5/2023 về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai Đề án 06 và báo cáo đánh giá khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Đồng thời, thường xuyên đánh giá kết quả thực hiện, chỉ ra tồn tại, hạn chế của các đơn vị, địa phương từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06, trọng tâm là tăng tỷ lệ tiếp nhận, giải quyết TTHC qua DVC trực tuyến và phương thức thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt, sử dụng thẻ CCCD gắn chip để khám chữa bệnh, triển khai thực hiện các mô hình điểm của Đề án 06.

Đến tháng 4/2024, tỉnh Lào Cai đang cung cấp 1.572 DVC trực tuyến toàn trình trên Cổng DVC của tỉnh; 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được cung cấp trên Cổng DVC Quốc gia. Hiện tại, tỉnh Lào Cai đang thực hiện thí điểm 35 DVC trực tuyến không tiếp nhận hồ sơ giấy trên địa bàn tỉnh Lào Cai; hoàn thành tích hợp, kết nối Kho dữ liệu giấy tờ cá nhân DVC của tỉnh với Cổng DVC Quốc gia; số hoá hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC; 100% đơn vị cấp huyện và UBND cấp xã triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính,... Thực hiện đảm bảo 100% TTHC đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVC trực tuyến toàn trình. Triển khai hệ thống phần mềm báo cáo dùng chung của tỉnh cho 08 đơn vị với 17 loại báo cáo; Thực hiện kết nối, chia sẻ, đồng bộ dữ liệu từ hệ thống quản lý công việc với hệ thống theo dõi thực hiện nhiệm vụ của Bộ TT&TT. Hệ thống DVC của tỉnh đã tích hợp 1.655/1.655 DVC lên Cổng DVC Quốc gia, đạt 100%.

Trong việc khai thác, sử dụng CSDL dân cư trong giải quyết TTHC, cung cấp DVC trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc không yêu cầu người dân xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC. Sử dụng các chức năng kết nối CSDL quốc gia về dân cư trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Cắt giảm thời gian, thủ tục, chi phí, hạn chế sai sót, không để xảy ra tình trạng gây khó khăn, phiền hà cho công dân, doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC; Cắt giảm tối thiểu 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu (đặc biệt là lĩnh vực tư pháp và tài nguyên môi trường) đã được số hóa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg. Tỉnh Lào Cai cũng đã chủ động cắt giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC so với quy định. Tính đến tháng 4/2024, có 977/1.903 TTHC (đạt 51,3%) được cắt giảm thời gian, qua đó tiết kiệm được thời gian, chi phí cho người dân và doanh nghiệp trong tham gia giải quyết TTHC.

Đẩy mạnh giải quyết TTHC theo hình thức liên thông (người dân, doanh nghiệp chỉ cần đến một đầu mối để nộp hồ sơ và nhận kết quả); có 132 TTHC liên thông cùng cấp, 89 TTHC liên thông giữa các cấp chính quyền. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC; 100% đơn vị cấp huyện và UBND cấp xã triển khai cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính. Tính đến nay, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của Lào Cai đạt 66,9%, xếp thứ 19/63 tỉnh, thành.

Đối với 25 dịch vụ công thiết yếu Đề án 06, tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết 25 TTHC qua dịch vụ công đạt 97% trở lên. Trong đó, đối với 11 DVC của ngành Công an đạt từ 97% trở lên, riêng lĩnh vực QLHC đạt 99%, các thủ tục về cư trú, vũ khí, VLN, con dấu, ngành nghề được thực hiện 100% qua DVC trực tuyến; Đối với 14 dịch vụ công của các sở, ngành, địa phương đạt từ 94% trở lên.

Đối với 28 dịch vụ công theo Quyết định 422/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hiện đã thực hiện 04/28 DVC, cụ thể: Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT: Tiếp nhận và giải quyết; Đăng ký tham gia BHXH tự nguyện trên Cổng DVC: Tiếp nhận và giải quyết; Thủ tục Đăng ký biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; Xác nhận thông tin về cư trú. Tỷ lệ đạt từ 80% trở lên.

Về hạ tầng công nghệ thông tin, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 05 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet. Các doanh nghiệp đã đầu tư mạng lưới hạ tầng viễn thông, Internet rộng khắp với 506 điểm cung cấp dịch vụ viễn thông; 2.936 trạm thu phát sóng thông tin di động - BTS. Hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh đảm bảo 1.548/1.562 (đạt gần 99%) trung tâm các thôn, tổ dân phố được phủ sóng băng rộng di động 3G, 4G; trên 85% thôn, tổ dân phố có hạ tầng cáp quang phục vụ truy cập Internet; Hiện có 84,6% thuê bao di động sử dụng smartphone; gần 66% hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định; tỷ lệ thuê bao băng rộng cố định đạt 16,13 thuê bao/100 dân; tỷ lệ thuê bao băng rộng di động đạt 81,82 thuê bao/100 dân.

Về dữ liệu, nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) duy trì khai thác sử dụng, triển khai tích hợp 18 ứng dụng, kết nối liên thông với hệ thống thông tin, CSDL quốc gia về dân cư, đất đai, tài chính, tư pháp, xây dựng, doanh nghiệp, BHXH,…với tổng số bản ghi gửi liên thông là 85.442 và nhận liên thông là 103.430; ngoài ra còn có 11 kết nối khác với các CSDL, HTTT của các bộ, ngành nhưng không qua LGSP như các dịch vụ tài chính, thuế, kho bạc, ngân hàng, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường….

Hoàn thành tích hợp, kết nối Kho dữ liệu giấy tờ cá nhân DVC của tỉnh với Cổng DVC Quốc gia; Thực hiện kết nối, tích hợp với các CSDL của các Bộ Y tế, Giao thông, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính,... phục vụ triển khai nền tảng cửa khẩu số, hiện còn CSDL của Tổng Cục Hải quan đang chờ đánh giá để kết nối; kết nối giải quyết bài toán liên thông điện tử với 02 nhóm thủ tục hành chính thiết yếu Đề án 06; thực hiện xong tích hợp kết nối hệ thống Dịch vụ công của tỉnh với Hệ thống chứng thực chữ ký cộng đồng NEAC;... Tiếp tục triển khai thử nghiệm Nền tảng cửa khẩu số đã giải quyết và đáp ứng năng lực thông quan qua cửa khẩu Kim Thành cho lượng phương tiện xuất nhập khẩu trung bình trên 400 phương tiện/ngày.

Hoàn thành thành kết nối giữa CSDLQG về dân cư và CSDLQG về bảo hiểm xã hội, tính đến thời điểm hiện tại, Lào Cai đã có 159.902 tài khoản được cơ quan BHXH duyệt; 143.574 tài khoản đã đăng nhập ứng dụng VssID. Riêng trong tháng 4/2024, có 176 tài khoản được cơ quan BHXH duyệt, 158 tài khoản đăng nhập ứng dụng VssID. Ngoài ra, hoàn thành tích hợp, kết nối liên thông điện tử dịch vụ công  đối với 02 DVC liên thông: Liên thông các thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong tháng đã phát sinh và thực hiện được 836 hồ sơ; Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí, trong tháng đã phát sinh và thực hiện được 119 hồ sơ. Bên cạnh đó, duy trì việc kết nối và tích hợp CSDL về danh mục TTHC từ Cổng DVC quốc gia về Cổng DVC của tỉnh để thống nhất dữ liệu; Duy trì việc kết nối Cổng DVC tỉnh với các hệ thống của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện các TTHC thuộc lĩnh vực hộ tịch và quản lý đất đai;...

Hạ tầng Trung tâm mạng thông tin của tỉnh được quan tâm nâng cấp.

Trên địa bàn tỉnh hiện đang tiếp tục triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng cấp II trên địa bàn tỉnh Lào Cai cho 170 điểm kết nối tại cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã với 12 dịch vụ dùng chung thiết yếu cho các CQNN, gồm: Kết nối chia sẻ dữ liệu - LGSP; Quản lý văn bản và điều hành; Dịch vụ hành chính công; Cổng thông tin điện tử; CSDL đánh giá cán bộ, CCVC; Hệ thống báo cáo; hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến; hệ thống đăng nhập một lần; hệ thống hoạt động của HĐND; Hệ thống triển khai về nông thôn mới… Triển khai nâng cấp hạ tầng Trung tâm mạng thông tin của tỉnh; nâng cấp hệ thống mạng WAN, LAN trên địa bàn tỉnh; Triển khai mạng LAN cho 45 xã thuộc 4 huyện nghèo trên địa bàn tỉnh.

Về nguồn nhân lực thực hiện các nhiệm vụ phục vụ Đề án 06 cơ bản bảo đảm về số lượng và đáp ứng trình độ chuyên môn, trình độ CNTT.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc theo dõi bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC trên Cổng DVC Quốc gia; Việc thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn chậm, nhiều phần mềm chuyên ngành của một số bộ, ngành quản lý chưa chia sẻ dữ liệu, chưa kết nối, liên thông với nhau, dẫn đến lãng phí, khó khăn cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung để tra cứu, khó khăn cho các địa phương trong giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp; Việc kết nối và chia sẻ dữ liệu dùng chung còn chưa được chuẩn hóa và tiện ích, dẫn tới người dân và doanh nghiệp chưa được hưởng hết các tiện ích từ dữ liệu dân cư trong giải quyết TTHC và các dịch vụ công khác; Một số thành phần dân tộc trên phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an chưa thống nhất như dân tộc “Hmông - Mông”, “Tu Di - Tu Dí”, chưa có dân tộc Xa Phó trong Quyết định số 121-TCTK/PPCĐ ngày 02/3/1979 của Tổng cục thống kê; Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện đang triển khai bằng các giải pháp khác nhau, đơn lẻ, chưa kết nối liên thông với Cổng Dịch vụ công quốc gia thanh toán trực tuyến, nên chưa quản lý đồng bộ được các nội dung thu của các lĩnh vực; Hiện tỉnh Lào Cai vẫn còn 10 thôn chưa có hạ tầng internet băng rộng di động, 200 thôn chưa có hạ tầng internet băng rộng cáp quang, thông tin về thẻ BHYT trên ứng dụng VneID không phản ánh kịp thời hạn sử dụng của thẻ.

Giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” trong triển khai Đề án 06

Để khắc phục ngay những bất cập trong triển khai Đề án 06, cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục DVC trực tuyến toàn trình, DVC trực tuyến một phần để bảo đảm thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các TTHC theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/10/2023 tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải cách và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp DVC phục vụ người dân, doanh nghiệp; phối hợp với các Bộ, ngành quản lý chuyên ngành, Văn phòng UBND tỉnh thực hiện việc rà soát, tái cấu trúc quy trình, đề xuất tích hợp để cung cấp 100% DVC trực tuyến trong phạm vi chức năng quản lý, thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị đáp ứng yêu cầu trên Cổng DVC quốc gia.

Tăng cường tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai Đề án 06 và công tác chuyển đổi số đến từng địa phương, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về Đề án 06, đổi mới hình thức, phương thức truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc triển khai Đề án 06 và công tác chuyển đổi số.

Thường xuyên tập huấn nâng cao kỹ năng công nghệ số cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân; phát huy vai trò của Tổ chuyển đổi số cộng đồng và các kênh truyền thông số trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, Đề án 06, kỹ năng công nghệ số và hình thành văn hóa số cho người dân.

Hằng Nguyễn