image banner
Triển khai phong trào thi đua toàn quốc về đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 14/5/2025 về Kế hoạch triển khai phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”, nhằm cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và chuyển đổi số.

  anh tin bai

Ảnh minh họa

Theo kế hoạch, phong trào thi đua sẽ được triển khai sâu rộng, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, hướng đến tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, hành động và phương thức vận hành của toàn xã hội trên nền tảng số. Tập trung thi đua thực hiện các nội dung chủ yếu sau:

1. Thi đua nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, chuyển đổi số, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý và mô hình hoạt động, điều hành từ “truyền thống” sang không gian số dựa trên dữ liệu số. Gắn tuyên truyền các mục tiêu, nhiệm vụ của phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số với các nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của các cấp, các ngành.

2. Thi đua phát triển hạ tầng cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là hạ tầng số, công nghệ số trên nguyên tắc “hiện đại, đồng bộ, an ninh, an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí”.

3. Thi đua đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, phát triển Chính phủ số, đẩy mạnh ứng dụng số trong cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; tăng cường quản lý nhà nước trên môi trường số từ trung ương đến địa phương; kết nối và vận hành thông suốt các cơ quan trong hệ thống chính trị, khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số. Nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

4. Thi đua phát triển kinh tế số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp khoa học công nghệ và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

5. Thi đua phát triển xã hội số. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Triển khai sâu rộng phong trào “bình dân học vụ số”, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số trong Nhân dân, chuẩn bị đồng bộ mọi nguồn lực để phát triển xã hội số.

6. Thi đua bảo đảm quốc phòng và an ninh, an toàn, an ninh mạng, chủ quyền quốc gia trên nền tảng số và không gian mạng.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nhất là các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử, bán dẫn, năng lượng nguyên tử và các lĩnh vực công nghệ chiến lược khác.

Phong trào hướng đến các đối tượng chính là các bộ, ban, ngành, địa phương; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội; cộng đồng doanh nghiệp; cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Mỗi đối tượng đều có trách nhiệm cụ thể trong việc xây dựng thể chế, phổ biến tri thức số, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, cải cách thủ tục hành chính, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo ra giá trị thực tiễn trong quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Kế hoạch xác định lộ trình thực hiện gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2025 đến 2027, các bộ, ngành, địa phương sẽ xây dựng tiêu chí thi đua phù hợp và tổ chức triển khai phong trào, bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả. Cuối giai đoạn sẽ tiến hành sơ kết, đánh giá để rút kinh nghiệm và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo. Giai đoạn 2, từ 2027 đến 2030, tiếp tục phát huy kết quả, mở rộng phạm vi và chiều sâu của phong trào, hướng tới tổng kết toàn quốc vào năm 2030.

Kế hoạch cũng phân công rõ trách nhiệm cho từng cơ quan. Bộ Nội vụ chủ trì hướng dẫn và đánh giá kết quả thực hiện; Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp đẩy mạnh truyền thông; các địa phương và tổ chức đoàn thể chủ động phát động phong trào phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tiễn.

Thông qua kế hoạch triển khai bài bản này, phong trào thi đua “Cả nước thi đua đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” được kỳ vọng sẽ trở thành động lực bền vững để Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên nền tảng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường vào năm 2045.

Bùi Giang - Phòng ĐT&NDS